Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Địa ốc TP HCM đua giảm giá, xả hàng tồn

Các dự án căn hộ bị đình trệ một thời gian dài đang rục rịch tái khởi động và chấp nhận giảm giá để tìm lối thoát.

Ngày 21/9, Công ty cổ phần Đầu tư Chương Dương công bố giảm giá 10% căn hộ Tân Hương Tower (quận Tân Phú, TP HCM) sau khi tìm được đối tác mới bơm vốn tái khởi động dự án. Giá căn hộ được điều chỉnh từ 15,3 triệu đồng một m2 xuống còn 13,5 triệu đồng một m2. Trước đây Tân Hương bán được 170 căn với giá 15,5 triệu đồng mỗi m2, nay còn tồn 190 căn.

"Chúng tôi quyết định giảm giá để giải quyết hàng tồn kho", Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Chương Dương, Văn Minh Hoàng cho biết.

Theo ông Hoàng, dự án đã đình trệ hơn một năm do thị trường khó khăn. Nay chủ đầu tư hợp tác với một đơn vị có thế mạnh về phân phối, đầu tư và xây dựng để tiếp tục triển khai lại dự án. "Chúng tôi chấp nhận giảm giá 10% nhằm tạo nguồn thu để có dòng vốn tiếp tục đầu tư cho các dự án khác, chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh năm 2014-2015", ông Hoàng giãi bày.

Trong quý III, Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng tính đến việc tiếp tục hạ giá căn hộ Giai Việt quận 8 để tháo hàng tồn. Dự án này đã không ít lần điều chỉnh giá nhưng do chậm tiến độ nên thanh khoản kém. Trong 6 tháng đầu năm, lượng hàng tồn kho của Quốc Cường đã lên đến hơn 4.360 tỷ đồng, tăng 880 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 65% tổng tài sản toàn doanh nghiệp.

Một dự án bị đình trệ khá lâu vừa công bố giảm giá bán để xả hàng tồn kho trong tháng 9. Ảnh: V.L

Nhập cuộc đua xả hàng, đầu tháng 9, Tập đoàn Novaland công bố mở bán khu căn hộ Sunrise City North Towers giai đoạn 3 chỉ xấp xỉ bằng 50% giá căn hộ giai đoạn một. Mức giá bán đầu tháng 9 là 27 triệu đồng một m2 so với giá bán giai đoạn một là 50 triệu đồng một m2. Trước đây, dự án có giá thấp nhất 4 tỷ đồng một căn thì quý III năm nay rút xuống còn 1,8 tỷ đồng.

Dù các chỉ tiêu xây dựng và không gian kiến trúc giai đoạn 3 khác với giai đoạn một và bản chất là hạ cấp dự án, song nhiều khách hàng vẫn đổ xô đi xem căn hộ. Nguyên nhân tập đoàn này chấp nhận hạ cấp căn hộ là vì áp lực dòng tiền quá lớn, buộc phải tìm cách tăng thanh khoản.

Hồi quý II, Công ty TNHH IDE Việt Nam (Hàn Quốc) cũng công bố giảm 20% giá bán căn hộ Green Hills (quận Tân Phú) để tháo hàng ứ đọng. Cùng thời điểm này, Công ty HVK cũng quyết định giảm giá 5-10% kèm ưu đãi về nội thất, cơ chế thanh toán cho khách mua căn hộ The Eastern (quận 9, TP HCM) để tìm đầu ra.

Trên thị trường sơ cấp, ở phân khúc đất nền biệt thự và nhà liên kế cũng có không ít biến động về giá. Đầu tháng 9, Công ty Bất động sản Phát Đạt cũng đã chấp nhận bán 34 căn biệt thự và 41 nhà phố thương mại ven sông (thuộc dự án The EverRich 3) với giá thấp hơn mức kỳ vọng.

Thời địa ốc nóng sốt, số đất nền này được Phát Đạt dự kiến với giá 80-100 triệu đồng một m2. Nay doanh nghiệp chấp nhận hạ giá kỳ vọng xuống còn 40 triệu đồng mỗi m2. Mục đích xả hàng lần này nhằm cải thiện nguồn thu cho doanh nghiệp vì áp lực tồn kho quá lớn. Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên của Phát Đạt, tính đến ngày 30/6/2013, doanh nghiệp tồn kho 4.900 tỷ đồng, tập trung ở 4 dự án: The Everich 2 và 3, Nhà Bè, Long Thạnh Mỹ.

Dự án của Quốc Cường Gia Lai giảm giá để tháo hàng tồn nhưng chỉ giao dịch nhỏ giọt. Ảnh: V.L

Không riêng gì thị trường sơ cấp điều chỉnh giá (chủ đầu tư giảm), theo nghiên cứu của Savills, trong 2 tháng đầu quý III/2013, thị trường thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại) cũng ghi nhận đất nền, biệt thự đột ngột mất giá trung bình 10-11% so với suốt năm 2012. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của đợt giảm giá này là do nhà đầu tư cắt lỗ thu hồi tiền mặt, xả bớt hàng tồn đã ôm quá lâu.

Trao đổi với VnExpress.net, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa nhận xét: "Trong giai đoạn khó khăn, chấp nhận giảm giá, cắt lỗ để giải phóng hàng tồn kho là quyết định khôn ngoan của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cắt lỗ càng sớm thì khả năng hồi phục càng cao".

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, không phải đơn vị nào cũng đủ khả năng thực hiện việc giảm giá xả hàng. Hiện nay các doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước hai ngã rẽ. Một là chấp nhận lỗ để xả hàng ra thị trường nhằm tìm cơ hội đi tiếp. Hai là ôm hàng, giữ giá, quyết không chịu lỗ và chờ đợi. Để chọn lựa một trong hai con đường này cũng không hề dễ dàng vì các chủ đầu tư buộc phải đánh đổi rất nhiều thứ.

Chuyên gia này phân tích, các đơn vị chấp nhận cắt lỗ, sẵn sàng giảm giá thường là doanh nghiệp vẫn còn nhiều tài sản giá trị, áp lực nợ xấu trong khả năng kiểm soát và cơ hội sống sót để đi tiếp cao hơn. Theo đó, dự án giảm giá thường có thanh khoản khả quan. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp chỉ có duy nhất một dự án, công trình lại chưa hoàn thiện, khó bán hàng, nợ xấu vượt ngưỡng an toàn thì xem như bế tắc.

"Với tình hình hiện nay, khủng hoảng bất động sản có thể kéo dài lâu hơn dự kiến do diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu tác động mạnh tới kinh tế trong nước. Yếu tố thời gian này có thể đã và đang làm thay đổi quyết định giữ giá hay giảm giá hàng tồn kho của các chủ đầu tư", ông Nghĩa nói.

Vũ Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét