Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Đại gia địa ốc Việt đua nhau săn vốn ngoại

Bất động sản trong nước khủng hoảng, nghẽn đầu ra và gặp khó khăn về tài chính khiến không ít đại gia địa ốc chuyển hướng sang các đối tác nước ngoài để săn vốn ngoại và tìm kiếm cơ hội đầu tư bên ngoài.

Nội bán, ngoại mua trên thị trường bất động sản

9 tháng qua, nhiều nhà thầu xây dựng, các đơn vị đầu tư phát triển dự án bất động sản phía Nam có xu hướng mở rộng kênh đầu tư, hợp tác, huy động vốn với các tổ chức quốc tế. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường nội địa suy yếu và cạn kiệt về tài chính, săn vốn ngoại là một giải pháp có thể mở ra nhiều hy vọng.

Trong 8 tháng đầu năm 2013, Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình đã có nhiều thương vụ liên quan đến khối ngoại. Tháng 7, doanh nghiệp nhận thi công phần kết cấu và hoàn thiện dự án “SORA gardens I” tại Thành Phố Mới Bình Dương với giá trị hơn 400 tỷ đồng. Đây là gói thầu của chung cư cùng tên, thuộc khu đô thị Tokyu Binh Duong Garden City ( FDI của Nhật) - có tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD.

Cuối quý II/2013, Hòa Bình ký hợp đồng quản lý xây dựng Khu phức hợp nhà ở - trung tâm thương mại - khách sạn cao cấp GEMS ở Yangon, Myanmar. Trong tháng 5, đơn vị này còn được đối tác ngoại là Tập đoàn Jesco Asia rót hàng chục tỷ đồng để phát triển lĩnh vực thiết kế, thi công cơ điện công trình, nhà xưởng và hạ tầng. Cuối tháng 3/2013, PT. Nikko Securities Indonesia đổ hơn 10 triệu USD mua cổ phiếu HBC với giá cao hơn thị trường. Các thương vụ này phần nào tiếp sức cho doanh nghiệp trong năm 2013 đầy khó khăn.

Dự án Happy Land do Công ty Khang Thông làm chủ đầu tư đã hút hơn chục nhà đầu tư ngoại rót vốn đầu tư.

Không chỉ có Hòa Bình đang trông đợi nhiều vào khối ngoại, Công ty Khang Thông cũng tích cực săn vốn nước ngoài từ các tập đoàn quốc tế để đầu tư vào dự án Happy Land (Long An) và dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định).

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Khang Thông, Phan Thị Phương Thảo chia sẻ vớiVnExpress.net: "Doanh nghiệp chờ dòng vốn từ tỷ phú Ả Rập Thureign Augn và ngân hàng Hypo Commerce Bank. Dự kiến, nhà đầu tư nước ngoài này sẽ rót vốn vào Tập đoàn Khang Thông để đầu tư trực tiếp vào 2 dự án tại Long An và Bình Định".

Bà Thảo cho biết thêm, chỉ tính riêng dự án Happy Land giai đoạn 1 đang thi công tại Long An, Khang Thông đã tiếp nhận hơn chục đối tác nước ngoài. Dự kiến, năm 2014 khu vui chơi giải trí hơn 2 tỷ USD sẽ chạy thử nghiệm một số hạng mục. Nữ doanh nhân này thừa nhận, với tình hình kinh tế trong nước khó khăn, các dự án của bà chủ yếu trông cậy vào các đối tác nước ngoài vì có giai đoạn hợp đồng vay ngân hàng cũng bị cắt. Tuy nhiên, bà Thảo cũng thừa nhận suy thoái kinh tế toàn cầu cũng tác động rất lớn đến dòng tiền của nhà đầu tư quốc tế, do đó tiến độ dự án cũng bị chậm so với dự kiến.

Trong khi đó, một đại gia địa ốc khác, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chỉ tập trung săn cơ hội ngành bất động sản ở thị trường nước ngoài. Nếu như các doanh nghiệp địa ốc khác tìm vốn ngoại thì HAGL lại đi theo chiều ngược lại, đổ tiền ra nước ngoài để chờ thời điểm vàng hái cơ hội.

HAGL đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu phức hợp tại Yangon với kỳ vọng có thể hái tỷ USD khi thị trường địa ốc Myanmar ấn lên.

Chủ tịch Tập đoàn HAGL, Đoàn Nguyên Đức cho biết, trong lĩnh vực bất động sản, năm 2013 tập đoàn dốc toàn lực vào dự án khu phức hợp tại Myanmar, thị trường Việt Nam chỉ đóng vai trò hậu phương. Bầu Đức đã tăng vốn dự án này từ 300 triệu USD lên thành 440 triệu USD và đẩy nhanh tiến độ xây dựng với kỳ vọng hái tỷ USD khi bất động sản Myanmar nóng lên. "Thị trường trong nước bế tắc, thay vì cứ ngồi im chờ đợi thì đầu tư ra nước ngoài sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn", ông Đức nói.

Đua theo các đại gia địa ốc tìm vốn và săn cơ hội tại thị trường nước ngoài, nhiều chủ đầu tư nhỏ lẻ cũng đặt kỳ vọng vào "bầu sữa ngoại". Chủ đầu tư một dự án chung cư bị đình trệ tại quận 8 tiết lộ đang đàm phán với một số nhà đầu tư châu Á về việc tiếp vốn để tái khởi động dự án. Trong đó đối tác Hàn Quốc bày tỏ sự quan tâm nhiều nhất.

Vị chủ đầu tư này giãi bày: "Thị trường trong nước đóng băng, chúng tôi phải tính đến phương án cầu cứu vốn ngoại. Tuy nhiên thời gian thương thảo hơi dài do phải định giá lại dự án".

Chủ tịch HĐQT Công ty Khải Hoàn Land, Nguyễn Khải Hoàn tiết lộ, trong quý II và III/2013, bộ phận M&A của doanh nghiệp cũng tư vấn thành công 2 giao dịch lớn có yếu tố nước ngoài tham gia, chủ yếu là liên kết, hợp tác đầu tư. "Săn vốn ngoại hay hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí tìm cơ hội ở thị trường mới trong thời điểm bất động sản khó khăn như hiện nay là xu thế tất yếu", ông Hoàn nhận xét.

Chuyên gia này phân tích, sự liên kết, hợp tác này có lợi đôi bên. Khối ngoại cần sự am hiểu địa phương, thủ tục pháp lý, quan hệ, quỹ đất... của doanh nghiệp Việt Nam. Ngược lại, doanh nghiệp trong nước tiếp cận được công nghệ, trình độ chuyên môn cao, sự chuyên nghiệp trong quản lý, và chủ yếu là nguồn tài chính ổn định. "Một thực tế phải chấp nhận là sau khi liên kết, thường là doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát điều hành toàn bộ", ông nói.

Ông Hoàn cho rằng, khi niềm tin của thị trường xuống thấp thì sự tham gia của khối ngoại là một hỗ trợ đắc lực để cải thiện vị thế của các chủ đầu tư. Khảo sát thực tế cho thấy các dự án sau khi liên doanh thường có thanh khoản tốt hơn và doanh nghiệp cũng tiếp cận được nhiều cơ hội hơn.

Chủ tịch Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình, Lê Viết Hải nhận định, liên doanh, liên kết, hợp tác với khối ngoại không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao trình độ quản lý, ổn định nguồn tài chính, cải thiện thanh khoản mà còn giúp mở rộng thị trường. "Khi các kênh đầu tư trong nước bão hòa, đi tìm dòng vốn ngoại và cơ hội ở các thị trường mới là giải pháp khả thi nhất hiện nay", ông Hải nhấn mạnh.

Vũ Lê

“Tiền chôn trong bất động sản vẫn rất lớn”





Tồn kho tại các dự án đã hoàn thành hiện ở mức khoảng 106.000 tỷ đồng.

Tốc độ giảm tồn kho bất động sản tuy vẫn chưa đạt như mong muốn song so với hồi đầu năm đã giảm được một tỷ lệ đáng kể.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ sáng 29/9, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có báo cáo về tình hình đầu tư xây dựng, thị trường bất động sản tính đến hết tháng 9/2013.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Dũng, tín hiệu tích cực là tỷ lệ tồn kho bất động sản toàn quốc tiếp tục giảm dù tốc độ giảm vẫn còn chậm. Tuy nhiên, nếu so với những tháng đầu năm thì tình hình thị trường đã khả quan hơn nhiều. Tính đến hết tháng 8/2013, tồn kho bất động sản đã giảm được khoảng hơn 17% so với tháng 3.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phía Nam đang nỗ lực tập trung để giảm giá bán bất động sản, thông qua việc thay đổi cơ cấu, cấu trúc dự án, căn hộ, qua đó giảm được khá nhiều chi phí vật liệu, nhân công…

Người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng khẳng định, với bất động sản, câu chuyện quan trọng nhất hiện nay là khắc phục lệch pha của cung cầu, bởi thị trường vẫn đang thừa sản phẩm cao cấp, nhưng lại thiếu căn hộ trung bình, giá vừa phải.

“Nếu gỡ được vấn đề này sẽ tăng tổng cầu cho nền kinh tế, công ăn việc làm cho người lao động sẽ được cải thiện”, Bộ trưởng nói.

Thông tin về số lượng tồn kho bất động sản, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện tồn kho khoảng 106.000 tỷ đồng đối với các dự án đã hoàn thiện. Còn giá trị tồn kho tại các dự án dở dang, dự án đang giải phóng mặt bằng…thì vẫn lớn.

Theo Bộ trưởng “Tiền chôn trong bất động sản hiện nay vẫn rất lớn”.

Để tháo gỡ khó khăn trên, Bộ yêu cầu các địa phương phải tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, chủ đầu tư dễ dàng chuyển đổi dự án, từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội, giảm giá bán…góp phần đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, xã hội.

“Nếu gói 30.000 tỷ được giải ngân nhanh chóng thì sẽ thêm ít nhất 30.000 tỷ nữa từ xã hội, từ người dân góp vào thị trường bất động sản, góp phần kích thị trường. Để kinh tế tăng trưởng trong năm 2014 thì phải tăng được tổng cầu. Muốn vậy phải tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp, phải giảm bớt các tiêu chí ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân gói hỗ trợ”, Bộ trưởng Dũng nhìn nhận.

Trước đó, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, giá trị tồn kho bất động sản tính đến hết quý 1/2013 là 128.548 tỷ đồng, tập trung nhiều ở phân khúc căn hộ chung cư, đất nền, nhà thấp tầng.
St

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Syrena Việt Nam ra mắt dự án đất nền Hùng Thắng

Dự án tọa lạc ngay tại cửa ngõ phía tây TP Hạ Long, trên trục đường chính khu đô thị mới Halong Marina, dành cho những khách hàng có nhu cầu xây biệt thự đơn lập hoặc nghỉ dưỡng.

Halong Marina là khu đô thị sở hữu vị trí đắc địa nằm giữa Bãi Cháy và Tuần Châu với toàn bộ phần cơ sở hạ tầng, giao thông đã được quy hoạch đồng bộ và hoàn chỉnh. Khu đô thị mới này cũng đã đón nhiều cư dân cư chuyển đến sinh sống khá đông đúc.



Hiện tại dự án đất nền Hùng Thắng đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, điện, nước sạch, đèn đường cao áp, cảnh quan phù hợp để xây dựng các căn nhà biệt thự đơn lập, biệt thự nghỉ dưỡng, theo ý tưởng thiết kế của khách hàng hoặc do chủ đầu tư cung cấp mẫu sẵn.



Khu biệt thự bao gồm 90 lô, rộng từ 175m2-300m2, mật độ xây dựng 65%, cao 3,5 tầng, giá bán từ 16,5-19 triệu đồng một m2. Những ngôi biệt thự nằm trên dự án đất nền Hùng Thắng đều được chủ đầu tư cung cấp cho khách hàng mẫu thiết kế hiện đại, sang trọng và tiện ích. Chủ đầu tư hỗ trợ giá bán ưu đãi, chiết khấu đặc biệt cho khách hàng đăng ký sớm.

Với vị trí đắc địa, phong thủy hài hòa với lưng tựa núi mặt hướng biển, chủ nhân của biệt thự sẽ được thụ hưởng không gian thiên nhiên của những hàng cây xanh mát cùng làn gió biển trong lành. Bên cạnh đó là những dịch vụ tiện ích vượt trội của khu biệt thự.



Dự án nằm gần các trục giao thông quan trọng như Quốc lộ 18, tuyến đường du lịch ven biển Hoàng Quốc Việt, cửa ngõ thành phố nối liền Bãi Cháy và Tuần Châu. Mặt khác với ưu điểm nằm trong khu đô thị Halong Marina, dự án cũng được hưởng nhiều dịch vụ tiện ích công cộng khác như tổ hợp thương mại và giải trí, khu nhà phố thương mại, khu nhà liền kề, siêu thị, nhà hàng, rạp chiếu phim, trường học, bệnh viện, bến xe, bến phà… Chỉ với 5 phút đi bộ, cư dân sẽ tiếp cận nhanh chóng tất cả các dịch vụ tiện ích này.

Minh Trí

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Địa ốc Hà Nội hy vọng bớt ảm đạm cuối năm

Hàng loạt các sự kiện, lễ mở bán đã bắt đầu được các chủ đầu tư triển khai...




Phân khúc biệt thự, liền kề đã có sự cải thiện về thanh khoản sau một thời gian dài bất động.


Trao đổi với VnEconomy, đại diện một số chủ đầu tư bất động sản cho biết, hiện đang là thời điểm để họ xốc lại tinh thần cũng như cải thiện doanh số bán hàng, trong bối cảnh việc chạy đua giảm giá bán dường như đã khiến họ “kiệt sức” trong suốt hơn một năm qua.

Thị trường bất động sản tại Hà Nội gần đây dường như được hâm nóng bởi một số dự án có giá bán ở mức khá thấp. Đơn cử như dự án Kim Văn - Kim Lũ, dự án Sky Garden, Tân Tây Đô…

Trên thực tế, số người có nhu cầu mua nhà ở thực phải xô đẩy, chen lấn để mua được căn hộ với giá gốc chỉ 11 - 13 triệu đồng/m2 không phải là hiếm thấy. Thậm chí tại dự án Kim Văn - Kim Lũ, để mua được căn hộ có vị trí đẹp, khách hàng phải mua lại từ trung gian với khoản chênh lên tới 50 - 70 triệu đồng.

Một số dự án khác có mức giá cao hơn chút như CT3 Cổ Nhuế của tập đoàn Nam Cường, Mandarin của tập đoàn Hoà Phát hay Discovery của Kinh Đô TCI… cũng có được tỷ lệ bán hàng đáng kể sau khi đã điều chỉnh giá bán giảm từ 10 - 20% hoặc linh hoạt trong phương thức bàn giao căn hộ.

Ở phân khúc biệt thự, liền kề, sau một thời gian dài nguội lạnh, thanh khoản cũng đã bước đầu được cải thiện, sau một thời gian dài đóng cửa, ngưng bán hàng.

Hàng loạt các sự kiện, lễ mở bán đã bắt đầu được các chủ đầu tư triển khai sau khi đã có được một tỷ lệ hợp đồng khích lệ.

Theo một đại diện của Sudico, sau một thời gian dài gặp khó khăn do thị trường quá ảm đạm, từ tháng 3 đến nay, doanh nghiệp này đã bán thành công hơn 100 suất biệt thự, liền kề tại Nam An Khánh, góp phần đáng kể vào kế hoạch doanh thu 1.132 tỷ đồng năm 2013 mà công ty đã đặt ra.

Lãnh đạo Sudico cho biết hiện đang tập trung cho giai đoạn 2 của dự án Nam An Khánh, tập trung đầu tư hạ tầng để có đủ điều kiện mở bán các sản phẩm còn lại trong tổng số gần 10 ha của dự án. Một bản hợp đồng với một lúc 5 sàn giao dịch lớn là EZ Việt Nam, Đất Xanh, Maxland, Thăng Long và Suree để phân phối sản phẩm cũng vừa được Sudico đặt bút ký, để chuẩn bị cho đợt bán hàng vào những tháng cuối năm.

Một số chủ đầu tư khác như Viglacera, Bitexco, Hacinco… cho biết, cũng đang lên kế hoạch mở bán hoặc nhận đăng ký các sản phẩm biệt thự, liền kề của mình nhằm đón đầu xu hướng mua nhà, đất vào cuối năm của khách hàng.

Trong vai người cần mua nhà, người viết đã liên hệ với đại diện công ty Vinaconex để đăng ký mua căn hộ tại dự án V7 Mỹ Đình, Từ Liêm với giá bàn giao thô là 15,2 triệu/m2. Tuy nhiên, dù thương thảo, đàm phán hết lời để ép giá xuống, song chủ đầu tư đã nhất quyết từ chối và chỉ chốt giá ở mức trên vì cho rằng “đó là mức giá ngang giá thành”.

Hơn nữa, theo đại diện Vinaconex, với mức giá hợp lý nói trên, hiện dự án đã bán được phần lớn căn hộ, số căn dư còn lại chỉ là căn diện tích lớn, tầng cao.

Trong khi đó, theo các sàn giao dịch bất động sản, văn phòng nhà đất tại Hà Nội, mặc dù lượng người mua chưa tăng nhiều nhưng số lượng khách hàng đến tìm hiểu, khảo sát đất thổ cư, đất nền và nhà xây thô tại các dự án cũng đang có xu hướng tăng mạnh trong vài tháng nay.

Hiện giá chào bán đất thổ cư hoặt đất nền tại khu vực phía Tây như Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức… hiện đã giảm khoảng 40% so với hồi giữa năm 2012.

Đơn cử như giá đất liền kề, biệt thự tại khu đô thị An Hưng hiện chỉ còn trên 40 triệu đồng/m2, thay vì khoảng trên 60 triệu như trước đây. Tại các dự án khác như Văn Phú, Tân Tây Đô cũng được nhiều nhà đầu tư rao bán với giá dao động từ 30 - 40 triệu/m2.

Giám đốc Công ty EZ Vietnam, ông Phạm Đức Toàn cho hay, hiện nay nhiều chủ đầu tư đang rậm rịch bung hàng ở phân khúc biệt thự, liền kề bởi thông thường vào những tháng cuối năm người mua nhà sẽ tăng lên.

Còn về giá bán, theo khảo sát của công ty này, hầu hết các chủ đầu tư đều khẳng định không thể giảm thêm nữa vì đã quá sát giá thành, giá vốn. Để "tri ân" khách hàng, một số chủ đầu tư chỉ đưa ra chương trình quà tặng là xe máy, nội thất… chứ rất ít chủ đầu tư giảm giá bán trực tiếp.

Duy chỉ có Sudico mới đây công bố chiết khấu trực tiếp cho khách hàng lên tới 8,4% nhưng với điều kiện phải thanh toán đầy đủ trước hạn hoặc mua số lượng lớn mới được giảm 3%.

Đại diện lãnh đạo GP Invest khẳng định, với mặt bằng giá như hiện nay, các chủ đầu tư gần như không đặt mục tiêu lợi nhuận nữa mà chỉ là tăng thanh khoản để giải phóng hàng tồn kho.

SONG HÀ

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Căn hộ 380 triệu đồng gần Tây Hồ Tây

Mỗi m2 căn hộ sẽ có giá từ 10,3-10,8 triệu đồng một m2. Dự kiến, khu nhà ở này sẽ cung cấp cho thị trường gần 1.000 căn hộ.

Hà Nội sắp có căn hộ 310 triệu đồng

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô, chủ đầu tư Khu nhà ở thu nhập thấp Bắc Cổ Nhuế - Chèm cho biết dự kiến mức giá bán căn hộ tại đây dao động từ 10,3-10,8 triệu đồng một m2.

Các căn hộ được thiết kế với diện tích từ 36,5m2 đến 69,6 m2. Theo đó, tổng giá trị căn hộ từ 380-700 triệu đồng. Dự kiến căn hộ sẽ được bàn giao nhà vào cuối năm 2014. Chủ đầu tư cho biết, khu nhà đang trong giai đoạn xây dựng phần móng.

Dự án gồm 4 tòa nhà chung cư 12 tầng, được xây dựng trên khu đất hơn 2ha. Trong đó, có hơn 10.000m2 là diện tích sân vườn, cây xanh, công trình công cộng, tiện tích dịch vụ như siêu thị, đường dạo, nơi đọc sách… Theo chủ đầu tư, khách hàng sẽ được nhận hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng khi mua căn hộ tại đây.

Tại Hà Nội hiện có 8 dự án nhà thu nhập thấp đã hoàn thành với tổng số 4.000 căn hộ và 5 dự án đang triển khai với quy mô 5.500 căn.

Ngọc Tuyên

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Địa ốc TP HCM đua giảm giá, xả hàng tồn

Các dự án căn hộ bị đình trệ một thời gian dài đang rục rịch tái khởi động và chấp nhận giảm giá để tìm lối thoát.

Ngày 21/9, Công ty cổ phần Đầu tư Chương Dương công bố giảm giá 10% căn hộ Tân Hương Tower (quận Tân Phú, TP HCM) sau khi tìm được đối tác mới bơm vốn tái khởi động dự án. Giá căn hộ được điều chỉnh từ 15,3 triệu đồng một m2 xuống còn 13,5 triệu đồng một m2. Trước đây Tân Hương bán được 170 căn với giá 15,5 triệu đồng mỗi m2, nay còn tồn 190 căn.

"Chúng tôi quyết định giảm giá để giải quyết hàng tồn kho", Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Chương Dương, Văn Minh Hoàng cho biết.

Theo ông Hoàng, dự án đã đình trệ hơn một năm do thị trường khó khăn. Nay chủ đầu tư hợp tác với một đơn vị có thế mạnh về phân phối, đầu tư và xây dựng để tiếp tục triển khai lại dự án. "Chúng tôi chấp nhận giảm giá 10% nhằm tạo nguồn thu để có dòng vốn tiếp tục đầu tư cho các dự án khác, chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh năm 2014-2015", ông Hoàng giãi bày.

Trong quý III, Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng tính đến việc tiếp tục hạ giá căn hộ Giai Việt quận 8 để tháo hàng tồn. Dự án này đã không ít lần điều chỉnh giá nhưng do chậm tiến độ nên thanh khoản kém. Trong 6 tháng đầu năm, lượng hàng tồn kho của Quốc Cường đã lên đến hơn 4.360 tỷ đồng, tăng 880 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 65% tổng tài sản toàn doanh nghiệp.

Một dự án bị đình trệ khá lâu vừa công bố giảm giá bán để xả hàng tồn kho trong tháng 9. Ảnh: V.L

Nhập cuộc đua xả hàng, đầu tháng 9, Tập đoàn Novaland công bố mở bán khu căn hộ Sunrise City North Towers giai đoạn 3 chỉ xấp xỉ bằng 50% giá căn hộ giai đoạn một. Mức giá bán đầu tháng 9 là 27 triệu đồng một m2 so với giá bán giai đoạn một là 50 triệu đồng một m2. Trước đây, dự án có giá thấp nhất 4 tỷ đồng một căn thì quý III năm nay rút xuống còn 1,8 tỷ đồng.

Dù các chỉ tiêu xây dựng và không gian kiến trúc giai đoạn 3 khác với giai đoạn một và bản chất là hạ cấp dự án, song nhiều khách hàng vẫn đổ xô đi xem căn hộ. Nguyên nhân tập đoàn này chấp nhận hạ cấp căn hộ là vì áp lực dòng tiền quá lớn, buộc phải tìm cách tăng thanh khoản.

Hồi quý II, Công ty TNHH IDE Việt Nam (Hàn Quốc) cũng công bố giảm 20% giá bán căn hộ Green Hills (quận Tân Phú) để tháo hàng ứ đọng. Cùng thời điểm này, Công ty HVK cũng quyết định giảm giá 5-10% kèm ưu đãi về nội thất, cơ chế thanh toán cho khách mua căn hộ The Eastern (quận 9, TP HCM) để tìm đầu ra.

Trên thị trường sơ cấp, ở phân khúc đất nền biệt thự và nhà liên kế cũng có không ít biến động về giá. Đầu tháng 9, Công ty Bất động sản Phát Đạt cũng đã chấp nhận bán 34 căn biệt thự và 41 nhà phố thương mại ven sông (thuộc dự án The EverRich 3) với giá thấp hơn mức kỳ vọng.

Thời địa ốc nóng sốt, số đất nền này được Phát Đạt dự kiến với giá 80-100 triệu đồng một m2. Nay doanh nghiệp chấp nhận hạ giá kỳ vọng xuống còn 40 triệu đồng mỗi m2. Mục đích xả hàng lần này nhằm cải thiện nguồn thu cho doanh nghiệp vì áp lực tồn kho quá lớn. Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên của Phát Đạt, tính đến ngày 30/6/2013, doanh nghiệp tồn kho 4.900 tỷ đồng, tập trung ở 4 dự án: The Everich 2 và 3, Nhà Bè, Long Thạnh Mỹ.

Dự án của Quốc Cường Gia Lai giảm giá để tháo hàng tồn nhưng chỉ giao dịch nhỏ giọt. Ảnh: V.L

Không riêng gì thị trường sơ cấp điều chỉnh giá (chủ đầu tư giảm), theo nghiên cứu của Savills, trong 2 tháng đầu quý III/2013, thị trường thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại) cũng ghi nhận đất nền, biệt thự đột ngột mất giá trung bình 10-11% so với suốt năm 2012. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của đợt giảm giá này là do nhà đầu tư cắt lỗ thu hồi tiền mặt, xả bớt hàng tồn đã ôm quá lâu.

Trao đổi với VnExpress.net, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa nhận xét: "Trong giai đoạn khó khăn, chấp nhận giảm giá, cắt lỗ để giải phóng hàng tồn kho là quyết định khôn ngoan của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cắt lỗ càng sớm thì khả năng hồi phục càng cao".

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, không phải đơn vị nào cũng đủ khả năng thực hiện việc giảm giá xả hàng. Hiện nay các doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước hai ngã rẽ. Một là chấp nhận lỗ để xả hàng ra thị trường nhằm tìm cơ hội đi tiếp. Hai là ôm hàng, giữ giá, quyết không chịu lỗ và chờ đợi. Để chọn lựa một trong hai con đường này cũng không hề dễ dàng vì các chủ đầu tư buộc phải đánh đổi rất nhiều thứ.

Chuyên gia này phân tích, các đơn vị chấp nhận cắt lỗ, sẵn sàng giảm giá thường là doanh nghiệp vẫn còn nhiều tài sản giá trị, áp lực nợ xấu trong khả năng kiểm soát và cơ hội sống sót để đi tiếp cao hơn. Theo đó, dự án giảm giá thường có thanh khoản khả quan. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp chỉ có duy nhất một dự án, công trình lại chưa hoàn thiện, khó bán hàng, nợ xấu vượt ngưỡng an toàn thì xem như bế tắc.

"Với tình hình hiện nay, khủng hoảng bất động sản có thể kéo dài lâu hơn dự kiến do diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu tác động mạnh tới kinh tế trong nước. Yếu tố thời gian này có thể đã và đang làm thay đổi quyết định giữ giá hay giảm giá hàng tồn kho của các chủ đầu tư", ông Nghĩa nói.

Vũ Lê

22 tùy chỉnh giúp tiết kiệm pin cho người dùng iOS 7 (Phần 1)



Có rất nhiều cách thức để làm tăng thời lượng pin trên iOS 7, hãy tùy chọn cách thức phù hợp nhất đối với bạn.
Như vậy, iOS 7 đã chính thức được Apple tung ra cho người dùng đại trà. Cho đến thời điểm hiện tại, hệ điều hành này đang có tốc độ cập nhật cao hơn rất nhiều so với phiên bản iOS 6 (29% người dùng cập nhật sau 16 giờ đầu tiên). Chắc hẳn rất nhiều bạn đọc hiện cũng đang sử dụng nền tảng hoàn toàn mới iOS 7 cho chiếc iPhone của mình.
Hãy cùng điểm qua 22 bí kíp tiết kiệm dung lượng pin cho thiết bị chạy iOS 7 sau đây để tùy chỉnh cho phù hợp với nhu cầu mỗi cá nhân, từ đó có một trải nghiệm tuyệt vời hơn.

1. Tắt bỏ tính năng AirDrop khi không dùng


AirDrop là tính năng cho phép người dùng iPhone 5, iPhone 5S và iPhone 5C (trên nền tảng iOS 7) có thể chia sẻ các tệp tin, hình ảnh một cách nhanh chóng và tiện lợi với bạn bè thông qua kết nối Bluetooth hoặc Wi-Fi. Tuy nhiên, bên cạnh sự hữu dụng, đây là một tính năng được đánh giá là rất “ngốn pin”. Vì thế, khi không cần thiết, người dùng được khuyến cáo hãy tắt bỏ tính năng kể trên bằng cách lướt tay từ cạnh dưới màn hình để mở Control Center, chọn AirDrop và nhấn Off.

2. Giới hạn ứng dụng ngốn dữ liệu, năng lượng khi chạy nền


Với phiên bản mới của iOS, bạn hoàn toàn có thể giới hạn việc các ứng dụng đang chạy nền có thể tự động làm mới hay nói cách khác là tải về dữ liệu hay không. Việc này có thể cải thiện được thời lượng pin đáng kể.

Để thay đổi tùy chọn này, chọn Settings > General > Background App Refresh và bỏ chọn các ứng dụng bạn không muốn chúng cập nhật dữ liệu khi chạy nền.

3. Tắt bỏ chế độ tự động cập nhật ứng dụng và tiến hành cập nhật thủ công những gì bạn cảm thấy cần thiết.


Ở iOS 7, nền tảng này sẽ mặc định tiến hành cập nhật ứng dụng của bạn tự động ở chế độ nền miễn là thiết bị đang được kết nối với sóng Wi-Fi hoặc sóng mạng viễn thông. Mặt trái của tính năng này đó là nó tiêu tốn khá nhiều năng lượng, vì thế, bạn chỉ nên giới hạn việc cập nhật được thực hiện một cách thủ công và chỉ khi máy đang ở chế độ sạc. Điều này được thực hiện đơn giản bằng cách chọn Settings > iTunes & App Store và tắt bỏ thiết lập Updates và Apps. Một “bí kíp” đáng chú ý nữa cũng giúp bạn tiết kiệm được dữ liệu nhà mạng bằng cách yêu cầu máy chỉ tiến hành cập nhật khi có kết nối Wi-Fi. Để làm điều này, hãy tắt bỏ tùy chọn Use Cellular Data.

4. Chặn những cuộc gọi phiền toái


Những cuộc gọi đến luôn là một nhân tố “ngốn” pin hạng nặng, kể cả khi bạn không nhấc máy. Nếu gặp phải tình huống phiền toái trong đó một người bạn không biết liên tục nháy máy trêu chọc, bạn hoàn toàn có thể chặn đứng số thuê bao này.

Hãy chọn Settings > Phone, cuộn xuống sâu thêm để tìm tùy chọn Blocked. Tại đây, thêm vào số liên lạc bạn muốn iPhone tự động từ chối cuộc gọi.

5. Chặn việc iPhone liên tục ghi lại những địa điểm bạn thường xuyên ghé thăm


Trong khi việc ghi nhận liên tục địa điểm của bạn giúp iPhone có thể cung cấp các thông tin hữu ích cho người dùng trong quá trình sử dụng thì nó khá tốn pin để có thể vận hành.

Nếu cá nhân bạn cảm thấy tính năng này không cần thiết, hãy tắt bỏ bằng cách chọn Settings > Privacy > Location Services > System Services và tắt bỏ nút Frequent Locations. Bạn cũng có thể xóa toàn bộ dữ liệu đã được lưu trước đó bằng tùy chọn Clear History.

6. Tắt bỏ hiệu ứng “parallax”


iOS 7 đi kèm với một hiệu ứng bổ sung trong giao diện người dùng có tên parallax. Theo đó, với tính năng này, khi bạn chuyển điện thoại dưới các góc nhìn khác nhau, hình ảnh hiển thị cũng sẽ di chuyển theo. Để thực hiện được hiệu ứng này, iPhone sẽ sử dụng một số linh kiện phần cứng bên trong để cảm nhận hướng cùng tốc độ di chuyển và dĩ nhiên nó sẽ gây tốn pin. Ban đầu, parallax có thể tạo cảm giác thích thú thế nhưng khi sự mới mẻ qua đi, có thể bạn sẽ muốn tắt bỏ chế độ này để tiết kiệm thời lượng pin.

Để thực hiện điều này, đơn giản hãy làm theo trình tự sau đây Settings > General > Accessibility > Reduce Motion và gạt nút điều chỉnh sang vị trí bật.

7. Tắt bỏ tính năng “raise to speak” của Siri


Để tạo sự thuận tiện cho người dùng, Siri có thể được kích hoạt đơn giản bằng cách cầm iPhone đặt ngay trước mặt bạn. Tuy nhiên, tính năng này sẽ yêu cầu việc cảm biến nhận diện luôn hoạt động vì thế sẽ ảnh hưởng đến thời lượng pin.

Bạn có thể tắt bỏ “raise to speak” bằng cách chọn Settings > General > Siri và tắt Raise to Speak. Khi tính năng này bị tắt bỏ, Siri có thể được kích hoạt bằng cách nhấn và giữ phím Home.

8. Chặn tính năng Spotlight Search khỏi việc ghi lại thông tin về những tệp tin không cần thiết


Cũng giống như trong Windows, tính năng tìm kiếm Spotlight của iOS cần thực hiện một quá trình có tên gọi index (cập nhật dữ liệu vào chỉ mục) để có thể tiến hành tìm kiếm với tốc độ nhanh nhất. Mặc định tính năng tìm kiếm này sẽ tiến hành index tất cả các loại tệp tin có trên máy, tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy có một loại tệp tin nào đó mình không cần tìm kiếm thì có thể tùy chọn tắt chúng đi bằng cách vào Settings > General > Spotlight Search và bỏ dấu tick ở những mục bạn cảm thấy không cần thiết.

9. Điều chỉnh lại kiểu nhận thông báo (notifications)


Bản thân thông báo không gây tốn quá nhiều pin tuy nhiên việc nhận thông báo sẽ làm màn hình nền sáng thì lại khác. Đối với những thông báo không cần thiết, bạn có thể đặt chúng vào chế độ “im lặng” để tiết kiệm pin.

Hãy vào Settings > Notification Center, cuộn xuống và bạn sẽ thấy từng nhóm thông báo được liệt kê. Giả sử bạn đang có nhu cầu điều chỉnh kiểu thông báo của ứng dụng Game Center, hãy nhấn chọn để thiết lập. Tại đây bạn sẽ thấy thẻ Alert Style, chọn None.

10. Tắt tính năng tự động điều chỉnh độ sáng màn hình và thực hiện điều này một cách thủ công


Chắc hẳn một số người dùng vẫn tin rằng tính năng tự động chỉnh độ sáng màn hình của iPhone sẽ giúp tối ưu lượng pin tiêu thụ bằng cách cân chỉnh cho phù hợp với ánh sáng ngoại cảnh. Tuy nhiên, thực tế tính năng kể trên không thực sự hiệu quả như bạn mong đợi. Các chuyên gia khuyến cáo, bạn nên bỏ tính năng auto-brightness và tự căn chỉnh độ sáng màn hình để đạt hiệu quả tối ưu nhất. Hãy vào Settings >Wallpapers & Brightness và chọn độ sáng thấp nhất phù hợp với nhu cầu của bạn.

11. Không sử dụng màn hình động


Tương tự với parallax viewing đã giới thiệu bên trên, iOS 7 cũng có thêm tính năng màn hình động với khả năng điều chỉnh hình ảnh theo chuyển động của tay. Bên cạnh sự thích thú về mặt thị giác, tính năng này ngốn pin hơn rất nhiều so với màn hình nền tĩnh.

Nếu bạn thích sự đơn giản, bạn có thể chọn màn hình nền tĩnh bằng cách sau, chọn Settings > Wallpapers & Brightness > Choose Wallpaper, tại đây bạn có thể chọn các hình được Apple cung cấp sẵn bằng cách vào Stills hoặc chọn ảnh của riêng mình.

Phía trên là 11 tùy chỉnh nhỏ giúp bạn cải thiện thời lượng pin trên chiếc iPhone sử dụng hệ điều hành iOS 7 mới nhất. 11 tùy chỉnh còn lại sẽ được cập nhật trong bản tin tiếp theo. 
Chúc các bạn thành công!

Indochina Plaza Hanoi: Khẳng định đẳng cấp nhờ sự khác biệt

“Tạo ra sự khác biệt” đã từng trở thành slogan của không ít dự án khi bắt đầu triển khai song chỉ đến khi nó được hoàn thiện thì mới có câu trả lời chính xác. Thực tế, chỉ có một số ít dự án giữ đúng cam kết và khẳng định được chất lượng.


Indochina Plaza Hanoi (IPH), dự án đầu tiên ở Việt Nam được trao giải “Dự án phức hợp có thiết kế nội thất đẹp nhất Châu Á Thái Bình Dương” đã tạo nên những sự khác biệt mạnh mẽ khi đã giữ vững cam kết với khách hàng về chất lượng, dịch vụ của mình trong bối cảnh khách hàng đang mất lòng tin vào các dự án.

Indochina Plaza Hanoi là đại diện duy nhất từ Việt Nam vinh dự nhận Giải “Dự án phức hợp có Thiết Kế Nội Thất đẹp nhất Châu Á Thái Bình Dương” 2013-2014 trao bởi Giải thưởng BĐS quốc tế.

Thành công nhờ giữ cam kết với khách hàng

Mới chuyển về nhà mới nhưng anh Nguyễn Xuân Dân (chủ căn hộ tầng 18 IPH) đã thực sự cảm thấy gắn bó và yêu quý ngôi nhà mới này. Anh chia sẻ: "Cái được lớn của vợ chồng tôi khi chuyển về đây là cô con gái nhỏ được sống trong môi trường an toàn và tốt nhất cho sự phát triển của bé. Cuối tuần con gái đòi đi chơi Tiniworld hay đi siêu thị, hoặc đi bơi thì chúng tôi chỉ cần tản bộ xuống dưới nhà là đã biến mong ước của con gái thành hiện thực rồi. Nhìn con gái cười tươi, tôi thấy lòng ấm áp vì mình là người cha vĩ đại trong mắt con.”

Không chỉ có anh Dân, gia đình anh Trần Quang Long cũng hài lòng với cuộc sống hiện đại ở IPH. Với anh, chỉ mất vài bước chân là có thể đến ngay phòng tập Gym đẳng cấp 5 sao, shopping hoặc cà phê tán gẫu tại Highlands Coffee đã giúp anh không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn tạo điều kiện để được hưởng thụ cuộc sống.

Theo chia sẻ từ ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Land “Lượng giao dịch tại Indochina Plaza Hanoi trong thời gian gần đây chủ yếu từ người mua hiện tại mua thêm căn thứ 2, thứ 3 hoặc giới thiệu bạn bè và người thân cùng mua. Tỷ lệ mua lặp lại ở khách hàng là một dấu hiệu tốt và đáng tin cậy cho thấy mức độ hài lòng về căn hộ và chất lượng dịch vụ mà dự án Indochina Plaza Hanoi đã nỗ lực không ngừng để mang đến cho khách hàng”.

IPH hiện là dự án bán thành công nhất tại các phân khúc với 2 tháp căn hộ với 386 căn hộ với nội thất cao cấp sang trọng, một tháp văn phòng với 18.000 m² hạng A và TTTM 5 tầng đế

Thực tế, đã rất nhiều các báo cáo của các công ty BĐS có uy tín trên thị trường đều khẳng định người dân mua căn hộ trong các dự án thời gian gần đây phần lớn đều là nhu cầu ở thực. Theo báo cáo Quý 2/2013 của CBRE, nhu cầu hiện nay chủ yếu thuộc về người mua là để ở và các nhà đầu tư dài hạn tìm kiếm tiềm năng cho thuê, hơn là tìm kiếm cơ hội tăng giá như thời gian trước.

Cũng theo CBRE, trong thời gian tới, các dự án có mức giá chào bán hợp lý sẽ có tỷ lệ bán tốt nhất. Tuy nhiên, ngay cả khi ở mức giá hợp lý, khách hàng vẫn cần thấy được cam kết thực sự trong tiến độ xây dựng và chất lượng quản lý của dự án.

Tại thời điểm này, một dự án được xem là hấp dẫn khi kết hợp được các yếu tố bao gồm mức giá tốt, điều khoản thanh toán linh hoạt cùng hỗ trợ tài chính và các cam kết về chất lượng quản lý và cơ sở tiện ích tốt. Chính vì thế, với những dự án như Indochina Plaza Hanoi đã được hoàn thiện thì khách hàng càng có cơ sở để thẩm định các yếu tố quan trọng này trước khi quyết định xuống tiền mua nhà.

Cốt yếu vẫn là chất lượng sản phẩm

Các tiện ích bể bơi, CLB cộng đồng tiêu chuẩn 5 sao đều dành riêng cho cư dân và miễn phí 100%. Khách hàng cần thông tin về dự án vui lòng liên hệ: 1900555596, hoặc truy cập vào website: http://www.indochinaplazahanoi.com/

Indochina Plaza Hanoi là dự án có tỷ lệ người mua và nhận nhà vào ở cao nhất trong tất cả các dự án tại tất cả các thị phần. Cụ thể, đến nay Indochina Plaza Hanoi đã bàn giao 303 căn hộ trong tổng số 90% căn hộ đã bán cho khách hàng ở cả 2 tòa tháp.

Nằm trong tổng thể chung của một tổ hợp đa chức năng, chủ nhân căn hộ nơi đây có thể tiếp cận các dịch vụ và tiện ích một cách dễ dàng, nhanh chóng: Trung tâm thể dục thể thao, khu Spa, bể bơi, vườn cảnh… cho đến khu tổ chức sự kiện, dịch vụ nhà trẻ, khu nhà hàng, khu văn phòng, trung tâm thương mại… Đặc biệt, khối đế (từ tầng 1 đến tầng 5) của khu phức hợp này là TTTM lớn có diện tích 14.000m2 đã chính thức khai trương 9/2012 tới với nhiều cửa hàng với nhiều sản phẩm phong phú, siêu thị… và khu ẩm thực sinh động.

IPH đã vinh dự nhận 3 giải thưởng cạnh tranh nhất khu vực: “Dự án Phức Hợp có Thiết Kế Nội Thất đẹp nhất Việt Nam ”, “ Dự án Phức Hợp có Kiến Trúc xuất sắc tại Việt Nam ” và là dự án đầu tiên ở Việt Nam được trao giải “ Dự án phức hợp có thiết kế nội thất đẹp nhất Châu Á Thái Bình Dương” vào tháng 5/2013 tại Malaysia.

Mới đây, Indochina Plaza Hanoi tiết lộ đang triển khai thêm một số mô hình “Căn hộ dịch vụ“ (Serviced Apartment) đáp ứng mong đợi của nhiều nhà đầu tư BĐS trong việc mua thực dùng cũng cho thuê lại với khả năng sinh lời cao. Thông qua vai trò kết nối đắc lực giữa khách thuê và khách mua nước ngoài của nhà phân phối Vietnam Sotheby’s International Realty, IPH càng có thêm những ưu thế cạnh tranh mạnh mẽ so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

St

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

5 tỉnh được lấy hơn 1.200 ha đất lúa làm dự án

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chấp thuận cho 5 địa phương chuyển mục sử dụng đất để thực hiện một số dự án, công trình.
Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng đồng ý cho UBND tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Tuyên Quang, Nghệ An được chuyển mục đích sử dụng khoảng 1.260 ha đất trồng lúa và 2 ha đất rừng phòng hộ để thực hiện 462 dự án, công trình.

Diện tích chuyển đổi cụ thể như sau:
Tỉnh Diện tích thu hồi Mục đích
Nam Định 535ha đất trồng lúa Xây 227 dự án, công trình
Hưng Yên 417ha đất trồng lúa Xây 115 dự án, công trình
Hải Dương 193ha đất trồng lúa Xây 84 dự án, công trình
Tuyên Quang 16ha đất trồng lúa + 2ha đất rừng phòng hộ Xây 10 dự án, công trình
Nghệ An 96ha đất trồng lúa Xây 26 dự án, công trình


Theo nghị quyết của Quốc hội, trong giai đoạn 2011-2015, sẽ giữ chỉ tiêu đất trồng lúa trên 3,81 triệu ha để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Sau năm 2015, căn cứ thực tế của từng địa phương, trong trường hợp cần thiết mới điều chỉnh lại chỉ tiêu này khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 2016 – 2020. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh những năm gần đây, diện tích đất nông nghiệp tăng nhưng tại một số địa phương, diện tích lúa nước giảm khá nhanh.

Ngọc Tuyên

Giá vàng quốc tế tiếp tục suy yếu

Lực bán kỹ thuật đẩy giá vàng giảm phiên thứ hai liên tiếp, sau khi đã để mất 2,7% giá trị cuối tuần trước.

Chốt phiên đầu tuần, vàng giao ngay mất gần 4 USD, xuống sát 1.322 USD một ounce. Giá vàng giao kỳ hạn tháng 12 cũng giảm hơn 6 USD, xuống còn 1.326,20 USD.

Giá vàng tiếp tục suy yếu trong phiên đầu tuần. Ảnh: Indian

Động thái bán vàng khiến giá suy yếu trong phiên thứ Hai là phản ứng tiếp theo của thị trường sau lời phát biểu của đại diện FED chi nhánh St. Louis, ông James Bullard hôm cuối tuần trước. Ông này cho biết FED có thể sẽ thu hồi chương trình mua trái phiếu vào cuộc họp tháng 10 nếu như các dữ liệu kinh tế cho thấy đang có sự tiến triển rõ ràng.

Tính cả phiên sụt giảm hôm 23/9, giá kim loại quý từ đầu năm đến nay đã giảm tổng cộng 21%. Lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF cũng giảm xuống thấp nhất 3 năm.

Trong giờ giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á, kim loại quý đang có xu hướng tăng nhẹ. Tính đến 8h10, giờ Hà Nội, mỗi ounce có giá 1.326,20 USD, tăng gần 4 USD so với mở cửa.

Nếu căn cứ theo tỷ giá ngân hàng 21.180 đồng, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi hiện có giá khoảng 33,9 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Trong khi đó, mức giá đầu ngày hôm nay của vàng miếng trong nước xoay quanh 37,42-37,62 triệu đồng.

Mới đây, nhà đầu tư hàng hóa lão luyện Jim Rogers cho rằng vàng đã mất sức hấp dẫn như một kênh đầu tư an toàn. Theo ông, giá có thể về 900 đến 1.000 USD mỗi ounce trong một đến hai năm nữa. Nếu quy theo tỷ giá hiện hành của các ngân hàng Việt Nam, giá vàng thế giới mà Jim Rogers dự báo cho hai năm tới tương đương gần 23 triệu đồng.
Lệ Chi

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Ba xu hướng của thị trường bất động sản

Hiện có 3 loại ý kiến đánh giá về trạng thái và xu hướng thị trường bất động sản.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, thị trường bất động sản vẫn đang trên đà xuống dốc, tức là chưa chạm đáy. Ý kiến này dựa vào một số căn cứ.

Chung cư cao cấp, biệt thự, đất nền ở xa trung tâm, mặc dù giá đã giảm xuống khá nhiều, nhưng tồn kho còn lớn, gần như không bán được, vì giá vẫn còn cao, không phù hợp với túi tiền và khả năng chi trả của đa số khách hàng có nhu cầu ở thực.




Hiện có 3 loại ý kiến đánh giá về xu hướng thị trường bất động sản

Đối với đất nền, chung cư ở gần trung tâm hơn thì giá cao, hoặc có diện tích quá rộng, trong khi các nhà đầu tư thứ cấp, cũng như người có nhu cầu thực có tâm lý chờ giá xuống nữa mới mua.

Một số dự án, chung cư có giá cả thấp hơn, nhưng người mua còn e ngại về mặt pháp lý, về thuế giá trị gia tăng, tiền chênh lệch, chất lượng công trình…

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, thị trường bất động sản đã ở đáy (có nghĩa là không còn xu hướng xuống dốc, nhưng cũng chưa đến đoạn thoát đáy vượt dốc đi lên).

Căn cứ của loại ý kiến này là giá bất động sản đã giảm sâu, có loại đã giảm tới 30 - 40% (nếu tính cả lãi suất vay ngân hàng để đầu tư trong 2 năm khoảng 35 - 40%, thì còn giảm sâu hơn nữa). Hầu hết những nhà đầu tư vào lúc giá đã cao, đều đã bị lỗ.

Theo đó, chỉ trừ một vài loại sản phẩm như biệt thự, chung cư cao cấp, đất nền ở xa trung tâm là có thể giảm tiếp, còn phân khúc khác sẽ khó có khả năng giảm tiếp nữa.

Theo loại ý kiến này, thời gian nằm ở đáy sẽ không lâu, có thể hết năm nay, hoặc đến giữa năm sau, thị trường bất động sản sẽ thoát đáy vượt dốc đi lên, khi kinh tế trong nước và thế giới hồi phục, khi gói tín dụng bất động sản 30.000 tỷ đồng được giải ngân…

Theo đó, loại ý kiến này khuyến cáo, đã đến lúc đầu tư vào bất động sản để đón đầu cơ hội, nhất là đối với bất động sản thời gian phải qua thi công mất vài ba năm.

Loại ý kiến thứ ba cho rằng, thị trường bất động sản đã bắt đầu thoát đáy vượt dốc đi lên, bởi đã xuất hiện một số tín hiệu. Số lượng giao dịch ở một số phân khúc đã tăng trở lại, tuy chưa sôi động như trước kia, nhưng cũng không thưa thớt như vài năm trước đây. Giao dịch tăng là tiền đề báo hiệu thị trường sẽ ấm dần trở lại.

Với nhà đầu tư, để xây dựng các công trình mà thời gian thi công phải mất vài ba năm mới hoàn thành, thì có thể đón đầu được “đỉnh” mới.

Các nhà đầu tư đã có sản phẩm thô, cần hoàn thiện nhanh, để tranh thủ bán vào lúc giá còn cao và cũng có thể hạ giá bán nữa, để thu hồi vốn nhanh, nhằm có vốn đầu tư mới đón đầu. Nếu cách đây một vài năm, nhà đầu tư thứ cấp bán với giá gốc cộng với tiền chênh khá lớn; sau đó thị trường giảm xuống, không những không có tiền chênh, mà còn bán dưới cả giá gốc.

Gần đây, đã xuất hiện trở lại tiền chênh (đối với các công trình bắt đầu khởi công), dù không còn lớn như trước. Giá một số phân khúc khác, ở một số địa bàn có thể còn giảm, nhưng tốc độ giảm đã chậm lại. Giá vật liệu xây dựng sau một thời gian dài giảm, nay đã bắt đầu tăng nhẹ, trong khi sản lượng sản xuất 8 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước đã tăng khá hơn…

Đối tượng mua trên thị trường hiện nay đã có những chuyển dịch theo xu hướng tỷ trọng những người có nhu cầu thực - mua để dùng tăng lên.

Ngoài ra, điều kiện vĩ mô cũng đang hỗ trợ thị trường, như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, nhiều cơ chế ưu đãi như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cho nhà ở xã hội… sẽ đưa vào thực hiện.

Cùng với đó, gói hỗ trợ tín dụng cho người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội và nhà thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấp theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh như chia nhỏ căn hộ, sử dụng vật liệu hoàn thiện trong nước sản xuất..., để giảm giá thành; hạ giá bán để cắt lỗ; hỗ trợ cho người mua nhà bằng hỗ trợ vay ngân hàng, khuyến mãi, trả tiền nhiều lần...

Cùng với các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, lòng tin vào thị trường cũng bước đầu có dấu hiệu được hồi phục và củng cố. Với lòng tin đó, một bộ phận người có nhu cầu thực đã bắt đầu “ra tiền” để mua.

Theo Minh Nhung

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Indochina Plaza Hanoi bán 11 căn hộ trong 'tháng cô hồn'

Chủ đầu tư dự án Indochina Plaza Hanoi cho biết trong tháng bảy âm lịch có tới 11 khách hàng mua căn hộ và thực hiện giao dịch mua bán thành công.

Điều này cho thấy khi cung (dự án chất lượng, vận hành tốt) gặp cầu (tổ ấm hoàn thiện, tiện ích đầy đủ) thì các giao dịch vẫn diễn ra đều đặn. Tháng 7 âm lịch, vốn là tháng kiêng kỵ bán mua nhất là những tài sản mang tính chất trọng đại có giá trị lớn như là nhà cửa, bất động sản... Nhưng đối với những người có nhu cầu mua nhà để ở thực sự thì đây lại là cơ hội để nhận nhiều ưu đãi và hỗ trợ từ chủ đầu tư.

Dự án IPH bao gồm 2 tháp căn hộ với 386 căn hộ sang trọng, một tháp văn phòng với 18.000 m2 diện tích văn phòng hạng A và 5 tầng trung tâm thương mại có diện tích 14.000 m2.

Trong tháng 7 âm lịch, ngoài chương trình hỗ trợ lãi suất trong tối đa 18 tháng và cho vay tới 60% giá trị hợp đồng đang được triển khai, Indochina Plaza Hanoi còn tặng 2 năm miễn phí quản lý cho khách. Tuy nhiên, chỉ có 4 trên 11 giao dịch cần tới gói hỗ trợ tài chính. Điều này cho thấy, yếu tố then chốt để người mua nhà chọn lựa căn hộ an cư không phải là các chương trình khuyến mãi mà là chất lượng của căn hộ, mức độ tiện nghi của cộng đồng họ sẽ sinh sống.
Tại Hà Nội, nghiên cứu thị trường của Savills Việt Nam mới đây cho thấy nhu cầu thực mua để sử dụng đã tạo nên những chuyển biến tích cực cho thị trường căn hộ. Những khách hàng có năng lực tài chính cùng những người có thể nhận được hậu thuẫn từ các ngân hàng sẵn sàng cho vay mua nhà cũng đã cảm nhận được đây là thời điểm thuận lợi để tiếp cận giấc mơ an cư tại Hà Nội.

Indochina Plaza Hanoi là đại diện duy nhất từ Việt Nam vinh dự nhận Giải “Dự án phức hợp có Thiết Kế Nội Thất đẹp nhất Châu Á Thái Bình Dương” 2013-2014 trao bởi Giải thưởng Bất động sản quốc tế.

Theo tiết lộ của chủ đầu tư dự án Indochina Plaza Hanoi, trong số 386 căn hộ tại 2 tòa tháp thuộc dự án thì có tới 90% đã bán cho khách. Thậm chí, ngay trong tháng cô hồn - Tháng 7 âm lịch, Indochina Plaza vẫn thực hiện được 11 giao dịch thành công. “Điều này cho thấy, nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn còn rất lớn”, đại diện chủ đầu tư chia sẻ.
Indochina Plaza nằm tại vị trí giao thông huyết mạch nối giữa phía Đông và phía Tây thành phố (trên đường Xuân Thủy giao với Phạm Hùng). Cư dân tại đây có thể di chuyển khá tiện lợi đến các vị trí trung tâm của Hà Nội và chỉ mất 30 phút lái xe ra sân bay quốc tế Nội Bài.

Các tiện ích bể bơi, CLB cộng đồng tiêu chuẩn 5 sao đều dành riêng cho cư dân và miễn phí 100%.

Với việc sở hữu căn hộ nằm trong tổng thể chung của một tổ hợp đa chức năng cao cấp, các chủ nhân nơi đây có thể tiếp cận các dịch vụ và tiện ích một cách dễ dàng, nhanh chóng. Từ trung tâm thể dục thể thao, khu Spa, bể bơi, vườn tạo cảnh cho đến khu tổ chức sự kiện, dịch vụ nhà trẻ, khu nhà hàng, khu văn phòng, trung tâm thương mại… đều góp phần nâng cao chất lượng sống của mỗi gia đình. Tất cả những tiện ích này đều thuộc sở hữu chung và đặt dưới sự quản lý của toà nhà, có nghĩa là được dành riêng cho cư dân và mọi cư dân đều được sử dụng miễn phí. Đặc biệt, khối đế (từ tầng 1 đến tầng 5) của khu phức hợp này là TTTM lớn có diện tích 14.000m2 đã khai trương 9/2012 với nhiều cửa hàng phong phú, siêu thị và khu ẩm thực sinh động.
Ngoài ra, dự án này cũng thu hút nhiều chuyên gia nước ngoài (đặc biệt là phương Tây và Nhật Bản) do phong cách nội thất tinh tế, tính thẩm mỹ cao kết hợp hài hòa với công năng sử dụng cùng chất lượng hoàn thiện. Căn hộ IPH đang được nhiều khách thuê ưa chuộng với mức giá trung bình 31,5 triệu đồng một tháng cho căn 2 phòng ngủ. IPH đã vinh dự nhận 3 giải thưởng cạnh tranh nhất khu vực: “Dự án phức hợp có thiết kế nội thất đẹp nhất Việt Nam ”, “Dự án phức hợp có kiến trúc xuất sắc tại Việt Nam ” và là dự án đầu tiên ở Việt Nam được trao giải “ Dự án phức hợp có thiết kế nội thất đẹp nhất Châu Á Thái Bình Dương” vào tháng 5/2013 tại Malaysia.
Theo ông Michael Piro - Giám đốc điều hành của Indochina Land, mô hình căn hộ dịch vụ (Serviced Apartment) đang được triển khai tại IPH đáp ứng mong đợi của nhiều nhà đầu tư trong việc mua thực dùng cũng như cho thuê lại với khả năng sinh lời cao. Thông qua vai trò kết nối đắc lực giữa khách thuê và khách mua nước ngoài của nhà phân phối Vietnam Sotheby’s International Realty, IPH càng có thêm những ưu thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Dự án Indochina Plaza Hanoi (IPH) gồm 2 tháp căn hộ với 386 căn hộ sang trọng, một tháp văn phòng với 18.000 m² diện tích văn phòng hạng A và năm tầng trung tâm thương mại (TTTM) có diện tích 14.000 m2.


Minh Trí

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Phụ nữ nắm chìa khóa hồi sinh kinh tế Nhật

Không chỉ đối phó với giảm phát, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới còn bị đe dọa vì lực lượng lao động ngày càng thu hẹp - kết quả của già hóa dân số và giảm tỷ lệ sinh. Trong khi đó, hàng triệu phụ nữ học thức cao lại không đi làm.

Kathy Matsui tại Goldman Sachs đã nghiên cứu vai trò của phụ nữ tại Nhật Bản suốt hơn một thập kỷ qua. Theo bà, phụ nữ là "tài sản ẩn dật" và Nhật Bản đang lãng phí một trong những tài nguyên quý giá nhất để vực dậy nền kinh tế. "Rất khó để chạy marathon chỉ với một chân", Masui cho biết trên CNN.
Tỷ lệ phụ nữ đi làm của nước này chỉ khoảng 60%, kém xa so với 80% của đàn ông. Chỉ cần con số này nhích lên vài phần trăm, GDP Nhật Bản cũng sẽ tăng thêm đáng kể. Phụ nữ Nhật có xu hướng mua sắm nhiều hơn đàn ông. Vì thế, nếu họ đi làm, thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình tại đây sẽ tăng lên.

Tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản đi làm chỉ khoảng 60%. Ảnh: Japan Today

Đây là vấn đề các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Nhật Bản đang cố gắng khắc phục. Thủ tướng Nhật - Shinzo Abe hồi tháng 4 cho biết phụ nữ là tài nguyên chưa được tận dụng triệt để tại Nhật Bản. Ông thậm chí còn nâng mục tiêu tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động.
Thủ tướng cho biết phụ nữ phải nắm ít nhất 30% vị trí cấp cao tại tất cả thành phần xã hội năm 2020. Các công ty cũng nên chỉ định ít nhất một lãnh đạo là phụ nữ. Các cải cách khác gồm hỗ trợ chăm sóc trẻ và tăng thời gian nghỉ sau sinh từ 1 lên 3 năm.
Khoảng 70% phụ nữ Nhật nghỉ làm sau khi sinh con đầu lòng, một phần do ít ưu đãi về kinh tế. Đàn ông Nhật được trả lương cao hơn phụ nữ gần 30%. Chênh lệch này đã được thu hẹp trong những thập kỷ qua, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các nước phát triển như Pháp, Mỹ hay Thụy Điển.
Matsui cũng cho biết Nhật Bản cần thay đổi quan niệm đàn ông là trụ cột gia đình, còn phụ nữ chỉ ở nhà lo nội trợ. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), phân biệt giới tính có thể khiến nữ giới nước này khó có được vị trí cao trong bộ máy chính trị và doanh nghiệp. Năm 2009, chỉ khoảng 9% lãnh đạo tại Nhật Bản là phụ nữ, thấp hơn nhiều 43% tại Mỹ.
Bản thân ông Abe cũng đã phá vỡ truyền thống bằng cách chỉ định hai phụ nữ vào Nội các. Các công ty lớn như Daiwa Securities hay Shiseido cũng đã đưa nữ giới vào vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, thay đổi thực sự sẽ phải mất thêm vài năm nữa. "Nhật Bản đang có cơ hội rất lớn ngay trước mặt. Liệu họ sẽ bỏ qua hay nắm chặt cơ hội đó?", Masui nhận định.

Thùy Linh

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Nhà có giá 2 tỷ đồng vẫn giao dịch tốt

Thị trường trầm lắng nhưng những sản phẩm bất động sản có giá trị trên dưới 2 tỷ đồng vẫn giao dịch khá tốt bởi phù hợp với người tiêu dùng.
Thị trường bất động sản vẫn diễn ra khá chậm chạp đặc biệt phân khúc có giá trị lớn 4-5 tỷ đồng trở lên do lực cầu yếu. Tuy nhiên, điểm sáng của thị trường vẫn là phân khúc đất, nhà có trị giá thấp trên dưới 2 tỷ đồng.
Qua phán ảnh của nhiều sàn bất động sản, những giao dịch thành công gần đây thường là những căn hộ chung cư sắp sử dụng được, có giá tầm trên dưới 2 tỷ, hoặc những căn nhà hoặc đất thổ cư nhỏ, giá khoảng 1,5- 2 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Minh Hạnh (giám đốc sàn BĐS VNI) cho biết, tại khu vực Nam Trung Yên, hơn 1 tháng nay khách hàng chủ yếu nhắm đến các căn hộ bình dân với diện tích nhỏ. Tuy nhiên, do nguồn cung ít nên khách hàng không dễ tìm kiếm được những căn hộ kiểu này.
“Hiện tại do lượng tiền mặt rất khan hiếm vì vậy các loại hình nhà đất nằm trong dự án đô thị mới có giá trị 5-7 tỷ đồng rất ít giao dịch thành công. Thế nhưng, lô đất thổ cư diện tích 45-50 m2 hoặc căn hộ có trị giá 1,7 - 2 tỷ đồng lại được nhiều người hỏi mua". Chị Hạnh cho biết.




Trong báo cáo tình hình thị trường của các đơn vị tư vấn cũng chung một nhận định, mặc dù thị trường đóng băng nhưng phân khúc căn hộ có mức giá tầm trung lại có giao dịch rất tốt.
Chính vì vậy, nhiều chủ đầu tư “chạy đua” mở bán các dự án chung cư bình dân có diện tích nhỏ, với giá bán dao động từ 10 - 17 triệu đồng/m2 như Hòa Bình Green City; HUD3 Tower, Phúc Thịnh Towervà Xuân Phương Viglacera, Đặng Xá (Gia Lâm), Tây Hà Tower (huyện Từ Liêm), … Nhiều khách hàng cũng đã quyết định mua bán thời điểm này để tận dụng vay vốn ưu đãi gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ đầu năm đến nay phân khúc căn hộ cao cấp, nhà thấp tầng, đất nền không có nhiều biến động. Riêng phân khúc căn hộ chung cư có diện tích nhỏ, giá cả hợp lý, vị trí thuận lợi và nhà ở đã hoàn thiện vẫn có tính thanh khoản cao, giao dịch có chiều hướng tăng.
Đơn cử như khu đô thị mới Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, chủ đầu tư mở bán 144 căn hộ có diện tích từ 47- 69 m2, giá bán trung bình 13,8 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì) thì chỉ tính trong nửa đầu tháng 5/2013 đã bán được 118 căn (hơn 80%).
Ngoài ra, hàng loạt các dự án chung cư như VP5 khu đô thị mới Linh Đàm, quận Hoàng Mai; Dự án chung cư CT11 Kim Văn-Kim Lũ, quận Hoàng Mai; Dự án Đại Thanh, huyện Thanh trì, Hà Nội; Dự án Ehom4 của Công ty Nam Long - Thành phố Hồ Chí Minh đều có tín hiệu khả quan.
Báo cáo cũng cho thấy, việc các Ngân hàng thương mại hạ lãi suất huy động và cởi mở hơn trong việc cho vay mua nhà ở, tâm lý nhà đầu tư tin tưởng hơn vào thị trường, nguồn vốn cho thị trường bớt căng thẳng, thị trường bất động sản tại các thành phố lớn đã bắt đầu có tín hiệu khả quan. Các doanh nghiệp đã tích cực chủ động hơn trong việc đề xuất các giải pháp maketing bán hàng, khuyến mại, giao sản phẩm căn hộ xây thô để khách hàng tự hoàn thiện...
Tại TP Hà Nội và TP.HCM, một số dự án phát triển nhà ở đang có xu hướng chuyển đổi cơ cấu căn hộ sang diện tích nhỏ, hoặc chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Đây là một trong các hiệu ứng tích cực của Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ đối với thị trường bất động sản, góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Theo VnMedia

Đất nền phía Đông TP HCM rớt giá

Nền biệt thự, nhà liên kế tại các dự án ở quận 2, 9 thuộc khu Đông Sài Gòn rớt giá trung bình 5-15% do một số nhà đầu tư chấp nhận lỗ để đẩy hàng nhằm thu hồi vốn.

Theo nghiên cứu của Savills Việt Nam, trong tháng 7 và 8, đất nền tại TP HCM (trên thị trường thứ cấp - nhà đầu tư bán) đã giảm trung bình 10-11% so với đầu năm 2013, trừ khu Phú Mỹ Hưng. Theo nhận định của Savills, dựa trên dữ liệu biểu đồ giá đất nền TP HCM, diễn biến giảm giá phân khúc này trong 2 tháng qua khá đột ngột vì trong suốt năm 2012 đều đi ngang, ít biến động.
Trong khi đó, thống kê của sàn TechcomReal, từ tháng 7 đến đầu tháng 9, tình hình giao dịch đất nền biệt thự, nhà liên kế trong các dự án ở quận 2, 9, Thủ Đức khá ảm đạm. Khu vực quận 2 giảm giá mạnh nhất, vơi mất 15% so với đầu năm, chủ yếu là địa bàn Thạnh Mỹ Lợi. Riêng khu An Phú - An Khánh giảm nhẹ 5%, đất nền Bình Trưng Đông hầu như không có giao dịch.
Cũng thuộc khu Đông Sài Gòn, mặt bằng giá nhà liên kế, biệt thự quận 9 giảm trung bình 10% tùy vị trí. Hiện giá đất nền Nam Long - Kiến Á giữ mức 14-15 triệu đồng mỗi m2, nền dự án Phú Nhuận 8-9 triệu đồng mỗi m2. Dự án An Thiên Lý ít mua bán nên giá chững lại, một số nhà đầu tư chào giá thỏa thuận giảm 5-10% nhưng cũng không có giao dịch thành công.

Đất nền khu Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 dù đã bán sang tay nhiều đời chủ nhưng rất ít người xây cất nhà cửa, cỏ dại và lau sậy mọc um tùm. Ảnh: T.S

Ngược với khu Đông, các dự án thuộc phía Nam TP HCM vẫn có giao dịch nhỏ giọt rải rác vài khu vực và giữ giá ổn định. Khảo sát của sàn Khải Hoàn Land và sàn Nam Việt tại khu Nam Sài Gòn (quận 7, 8, huyện Nhà Bè) trong tháng 8, giao dịch đất nền tuy chậm nhưng không có dấu hiệu giảm giá.
Cụ thể, đất nền Him Lam Kênh Tẻ giao dịch 40-45 triệu đồng một m2, biệt thự và nhà liên kế Khu làng Đại học giá 19-22 triệu đồng mỗi m2. Đất nền dự án quanh khu Phú Mỹ (Nhà Bè) 28-32 triệu đồng một m2. Khu 13A, 13B vẫn đứng giá và hầu như không có giao dịch.
Nguyên nhân giá đất nền khu Đông Sài Gòn đi xuống, theo Tổng giám đốc Công ty Techcomreal, Nguyễn Xuân Lộc là do nhà đầu tư cần tiền mặt buộc lòng bán dưới giá vốn.
Theo ông Lộc, đất nền Thạnh Mỹ Lợi giảm giá mạnh nhất khu Đông là do trong thời kỳ hoàng kim, nhà đất tăng nóng, khu này bị nhà đầu tư thứ cấp mua sang tay hàng chục lần, giá đội lên quá cao. Nay thị trường bất động sản khó khăn, tiến độ xây dựng khu vực này lại chậm nên nhà đầu tư đẩy hàng đi đều phải giảm giá, chấp nhận lỗ. Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng, hiện tượng đất nền khu Đông giảm giá chỉ diễn biến cục bộ ở một vài nền trong dự án và tỷ lệ giảm cũng không đồng đều nhau.

Một dự án đất nền tại quận 9, TP HCM đã làm xong hạ tầng và mở bán được vài năm cũng đang bị rớt giá trên thị trường thứ cấp. Ảnh: V.L.

Trao đổi với VnExpress.net, Tổng giám đốc Công ty đầu tư bất động sản Nam Việt, Phùng Văn Năng giải thích: "Đất khu Đông Sài Gòn, thuộc các quận 2, 9, Thủ Đức rớt giá nhiều hơn quận 7, 8, Nhà Bè vì sự tập trung dân số ở phía Đông chậm hơn phía Nam".
Theo ông Năng, đất quận 2 rớt giá nhiều nhất chủ yếu rơi vào những dự án có quá ít khách hàng xây nhà để ở. Dân cư thưa thớt sẽ khiến các dự án này khó đẩy hàng trong thời điểm thị trường bất động sản khó khăn, dẫn đến nhà đầu tư buộc phải giảm giá mới thu hồi được tiền về.
Lãnh đạo sàn Nam Việt lý giải, sở dĩ đất nền khu Nam TP HCM giữ giá tốt hơn khu Đông vì giá đất tại các quận 7, 8, Nhà Bè đã xuống đáy, giao dịch không nhiều, chủ yếu là khách mua để ở.
Ông Năng đưa ra ví dụ, trong tháng 9, một dự án đất nền thuộc quận 7 công bố giảm giá 50%, chào bán 40 triệu đồng một m2, giảm một nửa so với giá dự kiến 80 triệu đồng một m2. Tuy nhiên, đây chỉ là sụt giảm mức giá kỳ vọng. "Điều này có nghĩa là, so với thời hoàng kim năm 2007, giá đất quận 7 thời điểm này đã được điều chỉnh mạnh. Song nếu so với năm 2012 thì mức giá hiện nay hầu như không thay đổi", ông Năng nói.

Vũ Lê


Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Nhà ngoại ô giá rẻ hút khách

Nhiều công ty quy mô nhỏ mua lại các khu đất thổ cư, sau đó chia lô xây nhà liền kề diện tích khoảng 30-40 m2 và bán với giá 700-900 triệu đồng. 

Nhận thấy nhu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp có quy mô gần đây đã tích cực bỏ vốn vào những dự án liền kề, diện tích nhỏ ở vùng ngoại thành. Với diện tích chỉ 30-40 m2, căn hộ có giá khoảng 700-900 triệu đồng.

Sau khi thành công với dự án tại Phùng Xá (Thạch Thất, Hà Nội), khu Hàng không Nội Bài (Sóc Sơn), Công ty cổ phần Phát triển Nhà Bình Dân (Hà Đông) tiếp tục bỏ vốn làm 2 dự án tại La Phù, Hoài Đức. Suất đầu tư gần đây nhất được khởi công hồi tháng 5/2013, với 12 căn liền kề, hiện bán chỉ còn 2 căn. Đối tượng khách hàng chủ yếu là các cặp vợ chồng trẻ.

Ông Lưu Văn Hải, Giám đốc công ty cho biết, đơn vị này bắt đầu bước vào phân khúc nhà giá rẻ ở các khu vực ngoại ô từ khoảng cuối năm 2011, đến giờ đã đầu tư được 6 dự án.

Các căn hộ diện tích nhỏ, giá từ 700-900 triệu ở ngoại ô đang được nhiều đơn vị đẩy mạnh đầu tư.

Bà Bùi Thị Én, Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Ngôi Sao May Mắn cũng cho biết, mấy năm trước đơn vị này đầu tư chủ yếu vào phân khúc chung cư mini. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu thị trường đối với nhà đất giá rẻ có nhiều tiềm năng nên chuyển sang đầu tư vào phân khúc nhà liền kề ở ngoại ô. 

Dự án đầu tiên của Ngôi Sao May Mắn là tại Yên Nghĩa (Hà Đông) được thực hiện từ đầu năm 2012 với diện tích khoảng 34 m2. Đến cuối năm vừa qua, 14 căn nhà tại đây được bán hết với mức giá khoảng 700-900 triệu đồng. 

Hiện, đơn vị này chuẩn bị triển khai một dự án nữa tại Đồng Mai (Thanh Oai). Mỗi căn nhà ở các dự án được xây dựng 2 tầng, gồm 2-3 phòng ngủ, giá dự kiến 850-890 triệu đồng. 

Bà Én cho biết, trước đây, việc đầu tư xây căn hộ mini gặp nhiều khó khăn trong việc xin thủ tục cấp sổ đỏ. "Còn đối với nhà liền kề, khách hàng chỉ cần giao tiền thì khoảng một tháng là có sổ đỏ. Hơn nữa, tâm lý người Việt vẫn thích nhà đất hơn nên thanh khoản khá tốt", bà nói.

Trong khi đó, ông Lưu Văn Hải cho biết, năm 2012, đơn vị này bán được khoảng 40 căn, còn từ đầu năm đến nay là hơn 30 căn. 

Chủ đầu tư các dự án cho biết chủ yếu là mua đất thổ cư, sau đó gom vào xây dựng nên thủ tục xin cấp phép không phức tạp. "Khi khách hàng mua, giao một phần tiền chúng tôi sẽ sang tên sổ đỏ ngay. Đến khi bàn giao nhà người mua sẽ được nhận sổ và giao nốt tiền", bà Én cho hay.

Lãnh đạo các doanh nghiệp cũng cho biết, đầu tư những dự án này họ chủ yếu sử dụng vốn tự có và cũng không huy động của khách hàng. "Dự án có quy mô nhỏ, chỉ 10-15 căn nên quay vòng vốn nhanh. Lợi nhuận ròng của mỗi dự án dao động 5-10% giá trị. Chúng tôi cũng tự đứng ra quảng cáo, bán hàng để tiết kiệm chi phí", ông Hải chia sẻ.

Về lâu dài, lãnh đạo Nhà Bình Dân cũng cho biết, vẫn tiếp tục theo đuổi việc đầu tư vào phân khúc này. Tới đây, ông Hải dự định đầu tư một số dự án tại Hà Đông và các khu công nghiệp. "Tiêu chí chọn khu đất để xây nhà là hạ tầng khá, gần trường, chợ, không quá xa trung tâm và có phương tiện hỗ trợ như xe bus...", ông Hải cho hay.

Trao đổi với VnExpress.net về xu hướng mới này, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng, những doanh nghiệp trên đang đi đúng đường. "Nhu cầu của thị trường như thế nào thì nên chọn hướng đi đó. Loại liền kề như thế này đang là nhu cầu của nhiều người, đặc biệt là khi tâm lý người Việt vẫn rất thích nhà đất", ông Liêm cho hay.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, việc lựa chọn vị trí quyết định sự thành bại của dự án nên các chủ đầu tư phải rất thận trọng. "Do có quy mô trung bình thì không phải chịu áp lực về thủ tục đầu tư, do đó, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được nhiều chi phí xin cấp phép. Còn nếu dự án nằm ở đường hẹp và xa trung tâm quá thì khách hàng cũng e ngại", ông Liêm lý giải.

Ngọc Tuyên

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Indochina Plaza Hanoi lấp đầy 80% chỉ sau một năm

Trung tâm thương mại Indochina Plaza Hanoi thuộc dự án tổ hợp Indochina Plaza Hanoi đánh dấu một năm đi vào hoạt động vào ngày 14/9.
Tổ hợp Indochina Plaza Hanoi do Indochina Land làm chủ đầu tư chính thức được khởi công vào tháng 3/2010. Dự án gồm hai tòa tháp căn hộ với 386 căn hộ đã đón hơn 300 hộ gia đình an cư, một tổ hợp văn phòng hạng A 11 tầng với 14.000 m2 được hơn 30 công ty trong và ngoài nước chọn đặt trụ sở và khu thương mại 5 tầng với diện tích 18.000m2.



Năm 2013, Indochina Plaza Hanoi cũng là đại diện duy nhất từ Việt Nam giành giải thưởng "Dự án Phức hợp có Thiết kế Nội thất đẹp nhất châu Á Thái Bình Dương". Được thiết kế tinh tế theo tiêu chuẩn quốc tế, phân bổ khách thuê đa dạng, cùng đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, Indochina Plaza Hanoi được nhiều khách hàng lựa chọn làm chốn kinh doanh.
Hiện tại trung tâm thương mại này đã lấp đầy tới 80% với nhiều thương hiệu nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Ông Jesse Boone, Giám đốc dự án Indochina Plaza Hanoi nhận xét thị trường bán lẻ của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn nhiều tiềm năng để phát triển và khai phá những nhu cầu mới.
"Những gia đình ở thành phố lớn có thói quen mua sắm và thư giãn tại trung tâm thương mại không chỉ để mua sắm mà còn tận hưởng phong cách sống khác. Indochina Plaza Hanoi trở thành điểm đến yêu thích vì tạo cho khách hàng cảm giác như đang ở những trung tâm thương mại của nước ngoài", ông Jesse Boone chia sẻ.



Nhân kỷ niệm một năm hoạt động, trung tâm thương mại Indochina Plaza Hanoi sẽ tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi. Đơn cử như cuộc thi chụp ảnh InstagraPH Moments cùng những bức tranh 3D sống động đã được mở cửa từ 30/8 và đang triển khai tại trang thông tin http://www.facebook.com/Indochinaplazahanoi với nhiều giải thưởng hấp dẫn.

Cũng trong dịp này, hơn 1.000 phiếu quà tặng mua sắm đã được phát hành cho khách hàng mua sắm trong tuần trước lễ kỷ niệm từ 7-14/9. Đồng thời nhiều loại thẻ ưu đãi cũng được phát hành tại nhiều cửa hàng tại đây. Vào ngày 14/9, lễ hội mùa thu lần đầu tiên được tổ chức tại không gian mở chính giữa 3 tòa tháp. Đêm gala kỷ niệm một năm đi vào hoạt động (14/9) cũng sẽ được tổ chức với màn trình diễn công nghệ 3D Mapping đỉnh cao.

Minh Trí

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Hà Nội sắp có căn hộ 310 triệu đồng

Hơn 1.100 căn hộ thu nhập thấp tại Đặng Xá, Gia Lâm dự kiến có mức giá chỉ từ 9 triệu đồng một m2 đã gồm VAT và phí bảo trì.

Tổng công ty Viglacera cho biết đang tiếp tục triển khai Khu nhà ở thu nhập thấp NO5 Đặng Xá Viglacera, Gia Lâm, Hà Nội. Khi hoàn thành dự án sẽ có các căn hộ diện tích từ 35,8 đến 69,5 m2 với giá bán dự kiến dưới 9 triệu đồng một m2, đã bao gồm VAT và phí bảo trì. Theo đó, người mua có thể sở hữu nhà với mức giá từ 310 triệu đồng.

Khu nhà ở thu nhập thấp NO5 Đặng Xá Viglacera bao gồm 5 khối nhà được xây dựng trên lô đất diện tích 3,7 ha. Mỗi tòa nhà cao 6 tầng, tầng 1 làm chức năng sinh hoạt cộng đồng và để xe, tầng 2-6 bố trí 1.139 căn hộ để ở.

Khách hàng khi mua căn hộ được thanh toán làm 3 đợt. Trong đó, đợt 1 thanh toán 30% khi ký hợp đồng; đợt 2 là 40% sau 1,5 tháng ký hợp đồng và đợt 3 là số còn lại khi nhận nhà dự kiến vào quý I năm 2014.

Dự án nằm trong giai đoạn 2 Khu đô thị Đặng Xá có tổng diện tích 69,6 ha. Trong đó, giai đoạn một diện tích 30,6 ha đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng với hơn 1.000 căn hộ.

Tại Hà Nội hiện có 8 dự án nhà thu nhập thấp đã hoàn thành với tổng số 4000 căn hộ và 5 dự án đang triển khai với quy mô 5.500 căn.

Ngọc Tuyên

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Vingroup đầu tư thêm tiện ích cho Royal City và Times City

Những hạng mục tiện ích phục vụ miễn phí cho cư dân tại hai khu đô thị này sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng dịch vụ tiện ích theo tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo quyền lợi lâu dài của khách hàng.
Dù đã qua giai đoạn chào bán và đang tiến hành bàn giao căn hộ cho khách hàng theo đúng tiến độ đề ra nhưng Vingroup vẫn quyết định đầu tư thêm gần 200 tỷ đồng để xây dựng thêm các khu dịch vụ tiện ích phục vụ đời sống sinh hoạt của cư dân Times City và Royal City.

Cổng vào khu phức hợp Royal City.

Theo đó chủ đầu tư sẽ bố trí tại mỗi tòa nhà một khu vực sử dụng chung theo mô hình sảnh của các khách sạn 5 sao (Lounge) với diện tích khoảng từ 100-200m2 để phục vụ các nhu cầu tiếp khách và thư giãn của cư dân. Vingroup còn đầu tư tại cả hai khu đô thị hệ thống bể bơi bốn mùa (bể bơi nước nóng trong nhà) sang trọng và hiện đại.
Cụ thể tại mỗi tòa nhà của Royal City sẽ bố trí một bể bơi nước nóng trong nhà với diện tích 200m2. Còn tại Times City, toàn khu đô thị sẽ có một cụm bể bơi bốn mùa có tổng diện tích lên đến 4.000m2. Trong đó có một bể bơi người lớn rộng 1.350m2, sâu 1,3m (theo tiêu chuẩn chung của bể bơi thuộc các khách sạn 5 sao quốc tế), một bể bơi thiếu niên rộng 600m2, sâu 0,9m, một bể bơi nhi đồng rộng 300m2, sâu 0,5m. Phần còn lại là các khu vực phụ trợ với diện tích hơn 1.000m2.

Quảng trường Royal City.

Ngoài ra Vingroup cũng sẽ xây dựng thêm sân tennis, bóng rổ, bóng đá mini, cầu lông để đáp ứng nhu cầu về thể thao và rèn luyện sức khỏe của cư dân. Tất cả những tiện ích này đều sẽ thuộc sở hữu chung của khu đô thị, dành riêng cho cư dân và mọi cư dân đều được sử dụng miễn phí.
Phần chi phí để duy trì hoạt động của hệ thống tiện ích này được tính trong phí quản lý hàng tháng của ban quản lý theo mức giá đã công bố. Dự kiến các cụm dịch vụ này sẽ được khai trương lần lượt từng tòa nhà, bắt đầu từ 1/12 và hoàn tất vào tháng 3/2014.

Không gian tiện ích bên ngoài Times City.
Để tạo điều kiện cho các khách thuê căn hộ trong các khu đô thị này (nhất là khách nước ngoài), Vingroup còn hợp tác với các đối tác để cung cấp thêm các dịch vụ giặt là, giữ trẻ, dọn vệ sinh căn hộ… cho cư dân.
Để đáp ứng các nhu cầu cho thuê căn hộ của khách hàng, Vingroup cũng thành lập Công ty Dịch vụ cho thuê và quản lý Bất động sản chuyên nghiệp Vincom với hoạt động chính là thực hiện các dịch vụ quản lý và cho thuê căn hộ, biệt thự.

Minh Trí

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Bất động sản TP.HCM: Tín hiệu khả quan

Thông tin từ nhiều sàn giao dịch bất động sản (BĐS) tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, sức mua sản phẩm BĐS tăng nhẹ ở vài phân khúc. Trong đó, giao dịch tăng khá tốt là phân khúc nhà phố, căn hộ bán, căn hộ dịch vụ…
Phân khúc nhà ở, đất nền đang “ấm” dần.

Có triển vọng tốt

TS. Nguyễn Mại cho rằng, thị trường BĐS đã bắt đầu bước sang một giai đoạn phát triển mới, bởi nhìn từ góc độ kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng đến thị trường BĐS đang có những tín hiệu tích cực. Đó là lạm phát có xu hướng tăng thấp, lãi suất ngân hàng giảm, gói hỗ trợ người mua nhà đang tiến hành giải ngân… sẽ làm tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS và người có nhu cầu mua nhà có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để có thể sở hữu nhà ở.
Mặt khác, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa đang tăng trưởng tốt là tín hiệu về sự phục hồi của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là thể chế kinh tế đối với thị trường BĐS cũng đang được từng bước hoàn thiện. Theo đó, Luật Nhà ở và Luật BĐS sẽ được điều chỉnh và bổ sung để phù hợp với cả nhà đầu tư và người dân về nhà ở… làm cho dòng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực BĐS đang quay trở lại.
Bộ phận Tư vấn & Nghiên cứu Knight Frank Việt Nam dự báo, thị trường hiện nay đã đi vào giai đoạn bình ổn, giá cả sản phẩm BĐS không thể giảm thấp hơn nữa. Đây là điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu mua nhà có thể tìm cho mình được một sự lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, thị trường BĐS cần có thời gian dài hơn để củng cố niềm tin, còn việc nổi trội của vài phân khúc chưa thể kéo toàn bộ thị trường vực dậy.

Giao dịch tăng

Từ khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng có hiệu lực thi hành từ 1/6, nhiều chủ đầu tư đã tổ chức các chương trình bán hàng mới.
Đặc biệt, một số dự án tạm ngừng trước đây, đang được chào bán lại như Green Hill (quận Bình Tân), Conic Gateway (huyện Bình Chánh), Central Plaza (quận Tân Bình) và Căn hộ Hưng Phát (huyện Nhà Bè). Căn hộ ở phân khúc bình dân vẫn tiếp tục đạt được lượng giao dịch nhiều hơn như E-home 3 Tây Sài Gòn (quận Bình Tân) có hơn 80% lượng căn hộ chào bán đợt 1 được đặt mua.
Đối với phân khúc trung và cao cấp, các chủ đầu tư cũng đưa ra nhiều chương trình bán hàng hấp dẫn nhằm thu hút khách. Để phù hợp với tình hình thị trường, Novaland đã chào ra căn hộ có diện tích nhỏ của dự án Sunrise City (quận 7). Một dự án căn hộ khác tại quận Bình Thạnh là Hyco 4 Tower đã công bố bán hơn 80% của 60 căn hộ được chào bán trong lễ khai trương căn hộ mẫu cuối tháng 7/2013. Giá chào bán trung bình cho các dự án này khoảng 45,1 triệu đồng/m2 cho phân khúc cao cấp, 30,5 triệu đồng/m2 cho phân khúc trung cấp và khoảng 14,6 triệu đồng/m2 cho phân khúc bình dân.
Như vậy, tổng căn hộ mới chào bán thành công tại TP. Hồ Chí Minh trong quý II/2013 đạt khoảng 660 căn. Trong đó, phân khúc nhà ở bình dân chiếm 67% thị phần. Thời gian tới, nguồn cung có thêm hai dự án E-home 3 Tây Sài Gòn (quận Bình Tân) và Hoàng Anh Gold House tại huyện Nhà Bè. Các dự án này sẽ cung cấp thêm cho thị trường 648 căn hộ. Và sẽ có khoảng 37.000 căn hộ dự kiến sẽ tham gia vào thị trường từ nay đến năm 2015.
Ở những phân khúc thị trường khác như căn hộ dịch vụ cũng có chuyển biến tích cực khi có sự cạnh tranh giữa các dự án mới hoàn thành và dự án đang hoạt động. Giá thuê căn hộ dịch vụ hiện ở mức 588.000 đồng - 735.000 đồng/m2/tháng/căn hộ hạng A và 420.000 đồng - 525.000 đồng/m2/tháng/căn hộ hạng B. Tỷ lệ lấp đầy duy trì ở mức cao, đạt khoảng 92% đối với phân khúc hạng A và 80% đối với phân khúc hạng B. Các căn hộ studio của các toà nhà căn hộ dịch vụ hiện đang được khách thuê độc thân ưa chuộng, do giá rẻ và có vị trí trung tâm.
Về bán lẻ hiện tại tổng diện tích bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 843.000m2, nguồn cung bán lẻ hiện nay đã tăng 21% so với cùng kỳ năm 2012. Dự kiến, thời gian tới sẽ có khoảng 1,5 triệu m2 diện tích bán lẻ sẽ tham gia vào thị trường.

Đất nền trỗi dậy

Công ty Nghiên cứu thị trường Knight Frank vừa có bảng đánh giá những nét nổi bật của thị trường BĐS tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Đến tháng 8/2013, thị trường BĐS chứng kiến sự vượt trội của phân khúc đất nền so với các phân khúc khác. Thị trường đất nền có một lượng lớn nguồn cung mới từ hai dự án Nhân Phú (quận 9) và Phú Thịnh Riverside (quận Bình Chánh) với tổng số 1.500 nền. Tỷ lệ giao dịch trung bình tại các dự án khoảng hơn 10 nền/tháng với giá đất giao dịch khoảng 11 triệu đồng/m2.
Các khu vực lân cận TP. Hồ Chí Minh như tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An… hiện nay có lượng cầu đất nền thấp hơn, nên giá bán giảm từ 7% -10% so với đầu năm 2013. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS lớn, đầu tư mạnh vào quảng bá, giới thiệu và tung nhiều đợt chào bán thì thị trường đất nền vẫn hút hàng. Cụ thể như Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh tại Bình Dương, trong 7 tháng đầu năm 2013 đã chào bán được gần 1.700 sản phẩm đất nền tại Bình Dương và Đồng Nai. Và từ nay đến cuối năm 2013, Kim Oanh dự kiến mở bán thêm hàng loạt dự án đất nền khác tại hai địa phương này.
Cũng theo Knight Frank, từ nay đến hết năm 2013, sẽ có khoảng 400 nền biệt thự và nhà phố mới sẽ được chào bán tại quận 9, Nhà Bè và nhận định: với nguồn cung dồi dào, giá bán phân khúc đất nền sẽ không tăng, thậm chí tại một số khu vực ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè… chủ đầu tư sẽ chủ động giảm giá để đẩy nhanh tiêu thụ.

Theo Thời báo Ngân hàng

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Nội thất ngoại ồ ạt chiếm lĩnh thị phần ở Việt Nam

Thị trường nội thất Việt thu hút các hãng ngoại có tiếng đến từ Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Thụy Điển với hàng loạt siêu thị, showroom xuất hiện ngày càng nhiều.

Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực này càng quyết liệt hơn khi mới đây, hãng nội thất mang phong cách Thụy Điển UMA khai trương thêm một siêu thị tại quận Phú Nhuận, TP HCM với diện tích 700 m2 và dự định ngày 23/9 sẽ ra mắt một siêu thị nữa tại Dĩ An, Bình Dương, nâng số cửa hàng hiện diện ở Việt Nam lên 9. Hãng dự định mỗi năm sẽ mở thêm 2 siêu thị và vài cửa hàng nhỏ trong khu dân cư.

Ông August Wingardh, Chủ tịch UMA cho hay, kinh tế khó khăn, bất động sản đi xuống, nhưng phân khúc hàng bình dân dành cho các gia đình vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Đó là lý do giá bộ sofa ở đây bán dao động 2-20 triệu đồng.

Hiện người Việt chưa quen mua sắm ở các siêu thị nội thất một phần cũng do e ngại giá cả cao. Do vậy, sự ra đời của hàng loạt siêu thị với sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá cả, chất lượng sản phẩm và phong cách phục vụ sẽ dần thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Hiện, 80% sản phẩm của đơn vị này sản xuất, gia công tại Việt Nam theo tiêu chuẩn chất lượng và thiết kế của Thụy Điển. UMA ra đời dựa trên hợp tác giữa nhà đầu tư trong nước và Thụy Điển, mỗi bên đóng góp 50% vốn.

Nội thất ngoại ồ ạt mở rộng thị phần ở Việt Nam. Ảnh: Hồng Châu.


Đầu tháng 8, CEO hãng nội thất Ashley - Todd Waneck sang Việt Nam bàn kế hoạch hợp tác với một doanh nghiệp TP HCM nghiên cứu mở thêm nhà máy ở Bình Dương.

Đơn vị hợp tác với hãng nội thất Mỹ cho hay, công ty đã cùng CEO hãng này ký biên bản ghi nhớ vào cuối tháng 7 tại Mỹ, với tổng giá trị đầu tư 10 triệu USD.

Theo kế hoạch, trung tâm phân phối sản phẩm của Ahsley sẽ được mở vào đầu năm 2014, bao gồm một chuỗi cửa hàng (home store) từ Bắc vào Nam và các gian trưng bày (gallery) nằm trong các siêu thị của công ty này.

Ashley Furniture Industries hiện có nhà máy sản xuất đồ nội thất và một cửa hàng chính hãng tại Long Biên (Hà Nội). Ông Todd Waneck cũng đã tới Bình Dương, nơi công ty sẽ mở thêm một nhà máy.

Dự tính của hãng Ashley là 2015 nhà máy sẽ xây dựng xong và đi vào hoạt động, số lao động sẽ từ 4.000 lên 10.000 người. Đây cũng là kế hoạch của hãng sau khi rút bớt lao động bên Trung Quốc.

Nhà đầu tư đến từ Thái Lan cũng không kém cạnh khi liên tục mở rộng mạng lưới trên địa bàn TP HCM. Cuối tháng 12/2011, hãng nội thất Index Interfurn Thái Lan vào Việt Nam và cho ra đời siêu thị Index Living Mall đầu tiên tại TP HCM, với quy mô 7.000 m2. Hiện nay, ở thị trường TP HCM, Index Living đã có thêm 3 chi nhánh (showroom) ở quận 2, 3 và 5.

Đại diện Index Living Mall Việt Nam chia sẻ, 5 năm trước khi chuẩn bị vào Việt Nam, đơn vị này đã thăm dò thị trường và nhắm tới phân khúc khách hàng trung lưu bởi ở Việt Nam, phân khúc này chiếm đa số.

Hàng mang phong cách Thái Lan chủ yếu dành cho những gia đình có cuộc sống hiện đại, chịu thay đổi gu nội thất theo mùa, sản phẩm có giá dao động từ vài triệu đến mấy chục triệu. Đơn vị này muốn mở rộng kinh doanh nhưng còn vướng mắc ở khâu tìm mặt bằng.

Siêu thị nội thất Thái Lan có hơn 100.000 mặt hàng điện gia dụng, đồ trang trí, dụng cụ gia đình, đồ nội thất..., thu hút 500-1.000 người đến tham quan, mua sắm mỗi ngày. Index Living Mall là mô hình thương mại one-stop shopping mall đầu tiên tại Việt Nam.

Không chỉ nội thất Mỹ, Thụy Điển, Thái Lan đua nhau vào thị trường Việt Nam mà các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã nhanh chân xác lập thị phần.

Kimsfullhouse, công ty 100% vốn nước ngoài có mặt ở thị trường Việt Nam từ tháng 1/2007. Đây là nhà nhập khẩu và độc quyền phân phối sản phẩm nội thất cao cấp cho các thương hiệu đến từ Hàn Quốc. Kimsfullhouse hiện có 6 showroom trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các trung tâm thương mại tại Hà Nội và TP HCM. Phân khúc mà hãng muốn hướng đến là giới thượng lưu, có thu nhập khá và luôn muốn thay đổi phong cách theo mùa.

Một chuyên gia chuyên gia kinh tế nhận định, việc xuất hiện nhiều hãng nội thất ngoại ở Việt Nam giúp thị trường này phong phú và đa dạng về chủng loại hàng hóa. Nhiều hãng đua nhau cạnh tranh, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ giá cả cho tới chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, sự gia nhập của các hãng ngoại ngày càng nhiều sẽ khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, thị phần bị thu hẹp. Nếu các doanh nghiệp Việt không có chiến lược đúng đắn rất dễ bị đánh bại trên "đường đua" này.

Hồng Châu

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Ngân hàng giảm mạnh giá Đôla

Giá mua vào trên liên ngân hàng giảm 40 đồng so với tuần trước. Nguyên nhân cung ngoại tệ dư thừa được giải thích do nguồn thu xuất khẩu của các doanh nghiệp tăng mạnh.



Cung ngoại tệ đang dư dả sau khi các hợp đồng của doanh nghiệp xuất khẩu tăng. Ảnh: Anh Quân.


Vài ngày gần đây, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại liên tục giảm. Giá mua bán ở hầu hết nhà băng lớn đã xuống dưới mức 21.100 - 21.160 đồng. Riêng chiều mua vào, các nhà băng còn niêm yết giá thấp hơn Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

Vietcombank từ 9/9, giá mua bán giảm, về quanh 21.080 - 21.150 đồng. Sáng 10/9, Eximbank cũng giảm 30 đồng chiều mua vào, 20 đồng chiều bán ra. Một số nhà băng khác dù giữ nguyên chiều bán nhưng vẫn điều chỉnh giá mua vào.

Lý giải về động thái này, Phó tổng giám đốc phụ trách ngoại hối của ngân hàng cổ phần cho biết cung ngoại tệ trên thị trường đang tăng mạnh. "Nguyên nhân là các doanh nghiệp xuất khẩu tốt hơn, có nguồn thu và mạnh tay bán ngoại tệ. Ngược lại, cầu ngoại tệ cũng đang xuống thấp nên các ngân hàng giảm giá mua, bán", vị này cho biết.

Nguồn tin này cũng cho hay, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng trong tuần đã giảm ít nhất 40 đồng so với tuần trước, dao động quanh 21.115 - 21.120 đồng. Trong khi đó, trên thị trường tự do, các điểm thu đổi ngoại tệ vẫn báo giá mua bán quanh 21.140 - 21.170 đồng.

Cũng trong hôm nay, Ngân hàng Nhà nước công bố báo cáo tình hình hoạt động ngân hàng tuần (26/8 - 30/8) thông tin thêm thị trường vẫn khá ổn định, tỷ giá giao dịch có xu hướng giảm vào cuối tuần. Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước cũng không tiến hành một phiên đấu thầu vàng nào.

Thanh Thanh Lan

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Bàn giao Hoàng thành Thăng Long cho Hà Nội


Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao toàn bộ khu di tích Thành cổ và khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu cho UBND Hà Nội quản lý trong tháng 10.

Thực hiện cam kết đối với những khuyến nghị của UNESCO về di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thống nhất với các bộ ngành để nhất thể hóa công tác quản lý di sản khu Hoàng thành Thăng Long và xây dựng Nhà Quốc hội đúng như phương án đã được Thủ tướng phê duyệt, đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn của di sản.

Khu Thành cổ Hà Nội chưa được bàn giao toàn bộ cho Hà Nội quản lý. Ảnh: PV


Do hiện nay Bộ Quốc phòng vẫn quản lý một phần phía bắc Thành cổ Hà Nội nên Bộ Văn hóa đề nghị Bộ Quốc phòng di chuyển nhà khách để bàn giao toàn bộ khu vực phía bắc và Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam cho Hà Nội quản lý. Hà Nội đã bố trí khu đất ở 266 Thụy Khuê để xây nhà khách Bộ Quốc Phòng.

Bộ Văn hóa cũng yêu cầu Hà Nội hỗ trợ chuyển gia đình nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và gia đình thượng tướng Song Hào tại khu biệt thự 28B Điện Biên Phủ. Đồng thời, Bộ này chỉ đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam bàn giao khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu cho Hà Nội quản lý trong tháng 10. Toàn bộ hồ sơ tài liệu khảo cổ khu vực này cũng được bàn giao cuối năm nay.

Để chuẩn bị cho việc tiếp nhận khu Hoàng thành Thăng Long, ngày 9/9, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội chuẩn bị cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động tiếp nhận khu di tích 18 Hoàng Diệu cũng như bố trí mặt bằng, kho bãi để lưu giữ toàn bộ di vật tại đây.

UBND thành phố cũng giao Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định, phê duyệt phương án kiến trúc nhà khách Bộ Quốc phòng tại 266 Thụy Khuê và xin ý kiến Chính phủ việc hỗ trợ di chuyển gia đình hai cán bộ cao cấp tại biệt thự 28B Điện Biên Phủ.

Đoàn Loan

Nhà tập thể phố cổ Hà Nội ế ẩm

Rao bán hàng năm nhưng nhiều căn hộ hiện vẫn không bán được, thậm chí chẳng có khách ngó ngàng. Một số căn có khách hỏi thì chủ yếu là "cò" và mức giá bán bị ép xuống rất thấp.

Chị Ngọc (Chả Cá, Hoàn Kiếm) đang nhờ môi giới rao bán một căn hộ giá hơn 1,5 tỷ đồng từ đầu năm 2012 nhưng đến nay chưa tìm được khách mua dù đã nhiều lần hạ giá. Theo chủ nhà này, ban đầu, chị mong muốn bán với giá 1,8 tỷ đồng.

Căn hộ có diện tích gần 25 m2 nằm ở tầng trên 2 của một khu tập thể cũ. "Hồi cuối năm ngoái, cũng vài khách đến xem nhưng từ đó đến giờ hầu như không ai hỏi. Mình vẫn gửi các sàn nhưng cũng không hy vọng sẽ bán được trong năm nay", chị Ngọc cho hay.

Nhiều căn hộ tập thể phố cổ đang được rao bán nhưng ít người hỏi mua vì lụp xụp nhưng giá vẫn cao.


Anh Quân, chuyên môi giới bất động sản khu vực phố cổ cho biết, đang nhận bán rất nhiều căn hộ tập thể khu vực phố cổ. Tuy nhiên, lượng khách có nhu cầu mua lại quá ít. Chính vì thế, việc nhiều căn hộ phải rao hàng năm mà không bán được cũng không có gì là lạ, đặc biệt là những căn diện tích nhỏ, dưới 30 m2. Do đó, theo anh Quân, nếu có tìm được khách và giao dịch thành công thì chủ nhà cũng bị ép giá xuống mức thấp hơn so với giá ban đầu hàng trăm triệu.

Anh Sơn, chủ một căn hộ ngay mặt một con phố thuộc quận Hoàn Kiếm cũng từng bị "cò" ép giá xuống chỉ còn một tỷ đồng, giảm 300 triệu đồng so với mức rao bán. Tuy nhiên, do bị ép giá sâu nên anh Sơn không đồng ý bán. Đến nay, căn hộ diện tích chưa đầy 18 m2 của anh đã được rao bán suốt 4 tháng nhưng chưa giao dịch được.

Một số căn hộ có diện tích rộng hơn ở khu vực phố cổ cũng không dễ dàng tìm được khách mua. Cần tiền gấp nên hồi đầu năm, anh Quyết (Đống Đa) phải rao bán căn hộ tập thể gần 40 m2 trên phố Trần Hưng Đạo. Giá anh đưa ra là hơn 3 tỷ đồng. "Tuy nhiên, muốn bán gấp cũng chẳng xong vì đăng tin và nhờ các sàn từ Tết mà chưa bán được. Từ đó đến nay mới có 2-3 người đến xem rồi không thấy liên lạc lại", anh Quyết cho hay.

Theo anh Quân, bên cạnh diện tích nhỏ, nhiều căn hộ tại phố cổ khó bán vì mức giá đưa ra quá cao. Trong khi đó, cùng với giá đó, họ có nhiều lựa chọn ở những khu vực khác.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đăng Thắng, Giám đốc Công ty Bất động sản Thắng Thương Gia nhận định, nhiều người cho rằng, những căn hộ tập thể trong phố cổ rất lụp xụp, trong khi giá bán vẫn cao.

"Ví dụ, một số khu, giá bán vẫn lên tới vài tỷ đồng với loại diện tích 20-30 m2. Trong khi đó, với số tiền đó, nếu ra ngoại thành họ có nhiều lựa chọn, thậm chí mua được nhà đất", ông Thắng cho hay.

Hơn nữa theo vị giám đốc này, hiện Hà Nội đang có chủ trương giãn dân phố cổ nên nhiều người cũng e ngại với việc mua nhà tại đây. Do đó, ở phân khúc nhà phố cổ hiện lượng rao bán nhiều nhưng giao dịch rất ít.

Ông Thắng cho biết, đối với nhà đất ở khu vực này, hiện chỉ có loại mặt phố là có giao dịch nhưng không nhiều do khách rất kén chọn. "Hiện nay, người rao bán nhiều nên họ cũng chọn kỹ lắm. Nhà không chỉ đủ tiêu chí phố đẹp, mặt tiền rộng, dễ làm ăn, giá hợp lý mà còn phải xây sẵn nhà cao tầng mới dễ bán", vị này lý giải.

Ngọc Tuyên

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp gặp hạn

Chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp gặp hạn
Dự án Sài Đồng (Hà Nội), khách hàng tố chủ đầu tư vì chậm bàn giao nhà. Còn dự án tại Kiến Hưng đã hoàn thành xong, nhưng không có khách đến nhận, một số người còn đòi trả lại căn hộ.
Đất nền ngoại ô cạnh tranh nhà thu nhập thấp
Khoảng 30 khách hàng mua nhà tại dự án nhà ở thu nhập thấp Sài Đồng (Gia Lâm) vừa có đơn kiến nghị gửi lãnh đạo thành phố tố chủ đầu tư về việc chậm bàn giao nhà. Dự án do Công ty cổ phần Xây dựng số 3 (Hanco3) là chủ đầu tư.
Đại diện nhóm khách hàng cho biết, hồi tháng 7/2011 đã ký hợp đồng mua bán nhà với chủ đầu tư. Thời gian bàn giao nhà ghi rõ là đến quý II/2013. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa xong để bàn giao, thậm chí gần 2 tháng nay chủ đầu tư đã dừng việc thi công.

Chủ đầu tư nhiều dự án nhà thu nhập thấp đang gặp không ít khó khăn. Ảnh minh họa: Anh Quân

Theo ông Lê Toàn Thắng, Giám đốc Hanco3, do điều kiện kỹ thuật phải điều chỉnh lại thiết kế cho hệ thống phòng cháy chữa cháy nên đến ngày 31/12 tới mới có thể bàn giao căn hộ. Lãnh đạo Hanco3 cho rằng, đây là lý do bất khả kháng buộc chủ đầu tư phải xin thay đổi thiết kế và phê duyệt giá trị phát sinh. Do đó, một số hạng mục của tòa nhà bắt buộc phải thi công sau khi hoàn thành hệ thống này.
Tuy nhiên, nhóm khách hàng cho rằng, một số tòa nhà cũng thuộc dự án này, có điều kiện như nhau, cùng thiết kế nhưng do đơn vị khác làm chủ đầu tư đã bàn giao vào tháng 4 và 5 vừa qua. "Hơn nữa hợp đồng cũng nêu, nếu những hộ dân chậm nộp tiền sẽ phải chịu lãi suất tính theo mức trần của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, để tạo sự công bằng giữa 2 bên mua và bán, chúng tôi đề nghị Hanco3 cũng phải thực hiện điều khoản tương tự đối với các hộ dân", đại diện nhóm khách hàng cho hay.
Trong khi đó, tại dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (Hà Đông), tuy đã hoàn thành từ cuối năm 2012 nhiều khách hàng lại không chịu nhận bàn giao căn hộ. Theo thông tin từ chủ đầu tư là Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai, hiện có khoảng 30 khách hàng làm đơn xin trả lại nhà, thanh lý hợp đồng tại dự án Kiến Hưng. Trong đó, lãnh đạo của đơn vị này cho biết, có 5 trường hợp đã được chủ đầu tư chấp thuận thanh lý hợp đồng.
Ngoài ra, dự án còn khoảng 100 khách hàng chưa chịu nộp tiền và nhận bàn giao nhà. Rất nhiều trong số này, vẫn còn nợ trên 500 triệu đồng, bằng hơn một nửa giá trị hợp đồng.
Lãnh đạo Vinaconex Xuân Mai cũng cho biết, từ khi hoàn thành dự án đến nay, chủ đầu tư đã "năm lần bảy lượt" có văn bản thông báo khách hàng đến nộp tiền để nhận bàn giao, thậm chí, cử cán bộ đến tận nhà để thúc giục khách mua nhà nhưng tình trạng không được cải thiện. Biết nhiều khách hàng gặp khó khăn về tài chính nên chủ đầu tư sẵn sàng đứng ra bảo lãnh để người mua nhà được vay vốn từ các ngân hàng với lãi suất thấp nhưng đến nay, tòa nhà vẫn có hàng trăm căn hộ còn trống.
Trao đổi với VnExpress.net, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng phản ứng của khách hàng tại 2 dự án này tuy không giống nhau nhưng về nguyên nhân sâu xa vẫn có một số điểm chung.
"Thị trường bất động sản liên tục giảm giá, khiến nhiều căn hộ thương mại cũng có giá rẻ tương đương nhà thu nhập thấp mà nhiều người mua cách đây vài năm. Do đó, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Nếu chủ đầu tư không đáp ứng được về tiến độ, chất lượng hoặc giá cả, họ sẵn sàng gây áp lực để rút tiền mua căn hộ thương mại", ông Liêm cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, trước đây để mua một căn hộ thu nhập thấp, khách phải trải qua rất nhiều vòng "tuyển chọn". Nhưng hiện nay, nhà thương mại giá cũng cạnh tranh nên căn hộ thu nhập thấp không còn là lựa chọn sống còn nữa. "Do đó, gần đây, nhiều chủ đầu tư ồ ạt xin chuyển đổi các dự án nhà thương mại thành nhà xã hội cũng cần phải cân nhắc kỹ, tránh việc đầu tư ồ ạt nhưng lại không có khách mua", ông Liêm khuyến cáo.

Ngọc Tuyên

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Nở rộ mua bán dự án "bất động" Hà Nội


Nhiều chủ đầu tư bất động sản bất lực nhìn tài sản nghìn tỷ phơi nắng mưa, được gọi bằng cái tên sầu thảm: “Nghĩa địa”. Thị trường đã hình thành các giao dịch mua bán dự án “chết” như một lối thoát trong thời buổi nhà đất đóng băng.




Thị trường bất động sản đóng băng là cơ hội làm ăn của những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh Ảnh: Lê Hữu Việt.
Cơ hội cho chủ DN trường vốn
Khắp cả nước nhìn đâu cũng đầy “nghĩa địa” bất động sản. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành (TPHCM) cho biết, hiện bất động sản (BĐS) đang hình thành thị trường mua bán dự án. Nổi lên những cái tên như Đất Xanh Group, Hoàng Quân, Hưng Thịnh, Cengroup… chuyên mua lại các dự án BĐS tiềm năng.
Nhiều doanh nghiệp mua lại “xác chết”, rót tiền để hoàn thiện dự án, như bơm sinh khí. Về danh nghĩa pháp lý, việc đứng tên ký hợp đồng với khách hàng vẫn là chủ đầu tư cũ. Giá mua có khi chỉ bằng một nửa, hoặc 2/3 số tiền chủ cũ đã đổ vào dự án.
“Bán được dự án còn may, có được chút tiền phòng thân và trả nợ, không phải tù tội hay bỏ trốn” .
Ông Nguyễn Văn Đực

Chịu lỗ vậy nhưng không phải dự án nào muốn bán cũng có người mua, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, thiết kế, hạ tầng dân sinh… đáp ứng được nhu cầu của người mua. “Thời buổi khó khăn, bán được dự án còn may, có được chút tiền phòng thân và trả nợ, không phải tù tội hay bỏ trốn”, ông Đực nói. Theo ông, nhiều doanh nghiệp BĐS nhỏ và vừa đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Dự án bán không ai mua, hết tiền để xây tiếp, nhà không bàn giao được bị khách hàng đòi lại tiền, nợ lương nhân viên 3 - 4 tháng, nợ ngân hàng. Dù xét giá trị tài sản có khi tới cả nghìn tỷ đồng, nhưng tiền mặt không có, đành chết lặng nhìn đống tài sản của mình.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đang thực hiện mua lại dự án BĐS tại Hà Nội cho biết, đủ lực mua dự án thường là doanh nghiệp lớn, nhiều thành viên; trong đó có công ty đầu tư và sàn giao dịch. Thành công của dự án mua lại phụ thuộc vào khả năng phân tích thị trường của nhà đầu tư, sản phẩm làm ra phải đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng, đúng tiến độ cam kết mới bán được nhà. Nếu không chủ mới sẽ “chết” theo chủ cũ.

Một trong những đại gia giỏi mua “xác chết” BĐS và làm sống lại nhiều dự án là ông Lê Thanh Thản - Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng số 1 Lai Châu. Trong bối cảnh BĐS đóng băng, sàn giao dịch Mường Thanh của doanh nghiệp này lại tranh mua sản phẩm. Nhiều dự án được doanh nghiệp này mua lại đã bán hết veo sản phẩm vì đáp ứng được đa số nhu cầu khách hàng ở phân khúc nhà giá rẻ, tiến độ nhanh.

“Trước đây khi thị trường còn sôi động, chủ đầu tư thường bị duy ý chí, làm sản phẩm không theo nhu cầu thị trường nên giờ không bán được. Giờ mua lại dự án phải giải quyết được điều đó mới hy vọng bán được nhà”, một lãnh đạo doanh nghiệp chuyên mua “xác” BĐS nói. Cũng theo vị này, lợi thế của doanh nghiệp ông khi mua lại dự án là có sự kết nối với khách hàng qua sàn giao dịch, nắm bắt được nhu cầu người mua cần sản phẩm nào, công năng, diện tích, giá bán…ra sao. Chủ đầu tư sẽ làm theo đơn đặt hàng của đơn vị bán.

Về số lượng mua bán, hiện các công ty lớn, tập đoàn mạnh đủ tiềm lực không nhiều, trong khi “nghĩa địa” BĐS nhiều vô kể. “Không phải chủ đầu tư nào cũng đủ can đảm bán khi ngay lập tức lỗ 20-30%. Anh đã bỏ ra 100 tỷ vào dự án có dám chấp nhận mất ngay 30 tỷ không, đấy là vấn đề.

Chưa kể, chỉ chủ đầu tư tư nhân mới chấp nhận lỗ để bán, số này rất ít. Trong khi phần lớn dự án BĐS là của các doanh nghiệp nhà nước, họ có muốn cũng không bán được, vì cơ chế không cho phép lỗ, ít nhất hòa vốn”, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên phân tích. Theo ông, mua bán dự án “chết” là tất yếu; sẽ tiếp tục phát triển và là đòn bẩy làm nóng thị trường BĐS.

Lách luật để khơi thông

Thời khó, nhiều doanh nghiệp BĐS đã tìm mọi cách để bán hàng lại tiết kiệm. Doanh nghiệp của ông Nguyễn Văn Đực chọn cách làm cuốn chiếu. Sau khi hoàn thiện phần thô, căn hộ nào khách hàng nộp tiền vào ở mới làm hoàn thiện, còn chưa nộp vẫn để thô. “Cách này giúp doanh nghiệp không bị dàn trải vốn, khách hàng cũng không bị thúc ép nộp tiền, muốn nhận nhà thì nộp tiền”, ông Đực nói.

Nhiều đơn vị chọn cách lách luật để chia căn hộ. Những căn lớn 80-85m2 chia làm đôi, nhưng cùng chung một giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng, Luật Xây dựng quy định diện tích căn hộ không nhỏ hơn 45m2). Căn nhỏ dễ bán hơn vì đáp ứng nhu cầu của đa phần người dân hiện nay. Bất lợi là sổ chung không thể đem thế chấp, 2 nhà cần có độ tin tưởng nhau nhất định.

Hoặc, chủ đầu tư thay vì thuê một doanh nghiệp xây dựng làm tổng thầu như trước đây, sẽ trực tiếp đứng ra quản lý công trường, thuê thợ, tìm nhà cung cấp vật liệu, trực tiếp bán sản phẩm (không qua sàn giao dịch)? những cách này có thể giảm 20-30% chi phí dự án.

Với các sàn giao dịch, ông Phạm Thanh Hưng, Giám đốc sàn BĐS Thế Kỷ cho biết, giờ chỉ nhận bán những căn hộ đúng nhu cầu khách hàng, như diện tích nhỏ, giá rẻ, có đầy đủ cơ sở hạ tầng xung quanh (điện, đường, trường, trạm).

Ngoài ra, để hút khách sàn còn phối hợp chủ đầu tư kèm thêm các chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng quà, hỗ trợ hoàn thiện, thanh toán… “Có dự án tổng các hình thức hỗ trợ lên tới 40-50% giá trị căn hộ. Bản chất là một hình thức giảm giá”, ông Hưng nói. Theo đó, giờ sàn giao dịch BĐS không đơn giản là làm dịch vụ khách hàng, phải là người bán hàng thật sự, bán hàng theo yêu cầu người mua.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, có người mua lại dự án là một tín hiệu tích cực cho thị trường BĐS. Về vướng mắc của các doanh nghiệp nhà nước không bán được dự án, ông Doanh nói: “Không ai mua lại dự án với giá gốc, cần có điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống, nếu không các doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục sa lầy vào BĐS, không thể thoái vốn được”.

Theo Lê Hữu Việt
Tiền Phong