(Dân trí) - Liên quan đến việc chủ đầu tư dự án chung cư B5 Cầu Diễn (Từ Liêm - Hà Nội) vừa bị C46 Bộ Công an bắt khẩn cấp, PV Dân trí đã có cuộc xâm nhập vào dự án "cỏ mọc lút đầu" này, đồng thời tìm hiểu nhiều "điểm đen" trong dự án.
Chủ đầu tư huy động hàng trăm tỷ, dự án vẫn...cỏ mọc lút đầu
Lần theo lá đơn kêu cứu khẩn cấp của hàng chục khách hàng dưới danh nghĩa nhà đầu tư vào dự án chung cư B5 Cầu Diễn, dự án mà chủ đầu tư vừa bị C46 Bộ Công an khởi tố, bắt khẩn cấp về hành vi cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, PV Dân trí đã có cuộc xâm nhập vào tận "đại bản doanh" của dự án tai tiếng này.
Cả một khu đất rộng lớn phía sau cánh cổng sắt in dòng chữ "Chung cư B5 Cầu Diễn" đã gần như trở nên hoang hóa. Lọt thỏm giữa ngút ngàn cỏ dại mọc lút đầu là một vài chiếc máy xúc han rỉ, khu nhà tạm xập xệ và rải rác những tảng bê tông lớn có lẽ chỉ càng làm tô thêm vẻ hoang tàn của một dự án từng được phác thảo lung linh trên giấy.
Dự án chung cư B5 Cầu Diễn vẫn là bãi đất cỏ mọc sau khi chủ đầu tư đã huy động hàng trăm tỷ đồng suốt một thời gian dài.
Bước chân của nhà đầu tư giữa bãi đất hoang B5 Cầu Diễn trở nên ngập ngừng chua chát. Bởi trong số hàng trăm nhà đầu tư của dự án này có những người gom góp suốt cả đời mới giành dụm được một khoản tiền để ngày đêm mong ngóng hiện thực hóa được giấc mơ có một căn hộ nương thân cho con cháu. Để rồi sau khi biết số tiền mồ hôi nước mắt của mình bị chủ đầu tư "thuổng" mất, họ chỉ còn cách đôn đáo kêu cứu tại các cơ quan chức năng. Nhưng rồi nhiều trường hợp lại được cơ quan chức năng "hướng dẫn" liên hệ với tòa án dân sự giải quyết.
Lần lại ngọn nguồn sự việc, dự án B5 Cầu Diễn là dự án liên doanh giữa 2 đơn vị là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư nhà đất Housing (Housing Group). Trong đó, tỷ lệ góp vốn Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội là quyền sử dụng đất chiếm 40%, Tập đoàn Housing là 60% góp bằng tiền mặt để thực hiện dự án.
Theo lời giới thiệu, dự án Khu chung cư B5 Cầu Diễn nằm trong tổng thể quy hoạch Khu đô thị Thành phố Giao lưu nằm trên mặt đường Hoàng Quốc Việt (kéo dài), được thiết kế với 6 tòa nhà hiện đại, trên 40 tầng với số lượng gần 2.000 căn hộ. Với những lời chào mời hấp dẫn, dự án B5 Cầu Diễn đã khiến nhiều nhà đầu tư “dính bẫy”.
Theo hợp đồng góp vốn giữa Housing Group với khách hàng, khách hàng đồng ý cho Housing Group vay vốn với tỷ lệ trên 30% giá trị căn hộ, đổi lại khách hàng được quyền mua các sản phẩm của dự án B5 Cầu Diễn. Sau khi ký hợp đồng vay vốn, hầu hết các khách hàng phải bỏ ra số tiền khoảng từ 500 triệu - 1 tỷ đồng vào dự án; ngoài ra, mỗi nhà đầu tư cũng phải bỏ ra cả trăm triệu đồng tiền chênh để có quyền mua nhà.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, khách hàng tá hỏa bởi dự án vẫn chỉ nằm trên giấy. Hàng chục khách hàng đã làm đơn gửi chủ đầu tư yêu cầu được rút vốn theo đúng điều khoản trong hợp đồng. Tuy nhiên, từ thời điểm đó cho đến năm 2012 và ngay cả bây giờ, khách hàng vẫn chỉ nhận được những lời hứa suông.
Anh Nguyễn Văn Tuyến, một người mua nhà tại dự án này cho biết: tại cuộc họp giữa nhóm khách hàng và chủ đầu tư diễn ra ngày 14/6/2012, đại diện chủ đầu tư cho biết, dự án đang triển khai phần cọc đại trà và hứa với khách hàng sẽ ký hợp đồng mua bán vào cuối năm 2012.
Cam kết trả lại tiền cho khách hàng của Housing Group sau nhiều lần vẫn chỉ là...hứa suông.
Công văn số 533/2012/CV-CD của Housing Group gửi cho khách hàng ngày 31/10/2012 cũng khẳng định, “Bắt đầu từ tháng 12/2012, Cty sẽ ký hợp đồng mua bán cho khách hàng theo đúng quy định pháp luật và tính lãi suất cho khách hàng trong thời gian chậm triển khai dự án”. Vậy nhưng, đến nay dự án hoành tráng này vẫn chỉ là một bãi đất hoang tàn, cỏ mọc um tùm. Trong khi đó, số tiền hàng trăm tỷ đồng của khách hàng không hiểu được chủ đầu tư dùng vào việc gì trong suốt một thời gian dài.
Hé lộ uẩn khúc trong dự án siêu..."đầu voi đuôi chuột"
Mới đây nhất, khi ông Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội, chủ đầu tư dự án chung cư B5 Cầu Diễn bị Cơ quan cảnh sát điều tra C46 Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam, nhiều ẩn khuất trong dự án này mới dần hé lộ.
Theo đó, sau khi ký hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty CP Tập đoàn Đầu tư nhà đất Housing để cùng thực hiện dự án B5 Cầu Diễn, ông Nguyễn Văn Tuẫn đã ký hợp đồng góp vốn của hơn 200 khách hàng mua nhà tại dự án B5 Cầu Diễn với tổng số tiền trên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên số tiền trên không hề được dùng để xây dựng dự án.
Không chỉ ông Tuẫn huy động vốn mà bà Châu Thị Thu Nga - Chủ tịch công ty CP Tập đoàn Đầu tư nhà đất Housing cũng đã huy động vốn của hàng trăm khách hàng cùng thời điểm trên với số tiền từ 30-40% giá trị căn hộ nhưng đến nay dự án này vẫn án binh bất động trong khi các nhà đầu tư ngơ ngác không hiều tiền của mình đi đâu.
Như vậy, cùng với một dự án chung cư B5 Cầu Diễn mà cả 2 công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu - Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư nhà đất Housing "đua nhau" kêu gọi góp vốn với số tiền thu về cả trăm tỷ đồng nhưng chỉ có điều sau nhiều năm dự án vẫn chỉ nằm trên giấy và các khách hàng trót đưa tiền vào đây chỉ còn biết "ngậm đắng nuốt cay" trước vô số lần hứa suông của chủ đầu tư.
Cơ quan cảnh sát điều tra C46 Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam chủ đầu tư dự án chung cư B5 Cầu Diễn.
Nhiều khách hàng đang "mắc cạn" trong dự án chung cư B5 Cầu Diễn cũng đang kiến nghị Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của cả Housing Group liên quan đến sự việc.
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo công ty CP Tập đoàn Đầu tư nhà đất Housing cho biết dự án Chung cư B5 Cầu Diễn được xây dựng dưới hình thức hợp tác phía Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội có đất còn Housing Group bỏ tiền.
Theo vị lãnh đạo công ty này, sau khi ông Tuẫn bị bắt giam, UBND TP Hà Nội đã giao hoàn toàn dự án Chung cư B5 cho bên Housing Group.
"Ông Tuẫn huy động được hàng trăm tỷ đồng rồi tư túi, chuyển số tiền cho một công ty sân sau để mua thép phục vụ công trình. Tuy nhiên, sau đó thì không hề có thép về thi công công trình. Số tiền đó của khoảng hơn 300 nhà đầu tư. Ngay cả Housing Group cũng chuyển cho công ty 46 tỷ để lấy mặt bằng và ứng trước một phần lãi cho công ty này. Và nay số tiền này cũng mất", lãnh đạo Housing Group cho biết.
Phía Housing Group cũng cho biết công ty giờ phải cáng đáng thêm 300 khách hàng cũ của ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội cùng với khoảng 500 khách hàng của công ty. Tuy vậy, thành phố cũng tạo điều kiện bảo lãnh cho công ty vay vốn thực hiện dự án, khoanh nợ tiền đất, đổi lại bằng hơn 300 căn chung cư tái định cư cho thành phố giải tỏa dự án tây hồ Tây. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt là phản ứng của khách hàng đã góp vốn vào dự án.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế